Cách đây khoảng trên dưới chục năm, khi con đường Phan Chu Trinh được chỉnh trang, một vài đoạn được mở rộng, một số loài cây vốn sống trong vườn nhà tư nhân trở thành cây vỉa hè như vú sữa, đào (roi, mận)… và đoạn gần chân cầu An Cựu, chúng tôi thấy xuất hiện vài bụi đùng đình. Cũng trong khoảng thời gian đó, khi thấy 2 bụi đùng đình nằm trên thảm cỏ xanh của công viên Lý Tự Trọng, phía trước văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi có tìm hiểu thì biết được nó cũng là cây mọc tự nhiên. Thế rồi, dần dà nó được chấp nhận như một thành viên của gia đình cây xanh trong công viên đó, mãi đến bây giờ.
Thật ra, đùng đình bụi là một loại cây thường mọc hoang dại, ít ai trồng. Chúng mọc được trên nhiều loại đất ẩm và có mặt khắp các vùng sinh thái, từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền đến hải đảo. Khả năng tái sinh của đùng đình bụi rất mạnh. Do khả năng sản sinh hạt lớn, một bụi đùng đình trưởng thành có thể nhân giống tự nhiên hàng trăm cây con trên mảnh đất hoang vài trăm mét vuông, đủ ẩm, không người kiểm soát. Chúng tôi đã từng mục kích hiện trạng này dưới tán rừng còi trên đảo Cồn Cỏ.
Do hiện hữu rộng khắp nên đùng đình cũng tạo nên một mối quan hệ khá đặc sắc với cuộc sống đời thường của cộng đồng dân cư người Việt nhiều nơi. Nó đã góp phần vào các hoạt động đời thường, dần dần hình thành nét văn hóa dân gian cho một số nơi. Lá đùng đình thường được dùng để trang trí trong các dịp lễ hội ở nhiều vùng nông thôn. Dựng một cổng chào, người ta dùng thân tre làm sườn và dùng lá đùng đình để kết lợp trang trí. Lá đùng đình cũng được sử dụng làm chổi quét nhà, sân vườn. Nhiều nông dân treo những bó lá đùng đình trong chuồng gia súc với quan niệm trừ khử những rủi ro có thể đến bất chợt cho gia súc của họ. Cũng có người treo lá đùng đình trước hiên nhà và tin rằng sẽ trừ được sự đột nhập của ma quỷ. Chồi ngọn có thể dùng làm rau ăn. Biết được quả đùng đình gây ngứa, nhiều trẻ con đi nhặt về ném cho gà ăn gây ngứa cổ gáy khan, cho dù đó là gà mái, xem đây là một trò chơi thú vị.
Đối với dân gian vùng đồng bằng, cây đùng đình chỉ là dạng cây bụi mọc hoang, là khách không mời mà đến. Khi nó mọc ở góc vườn, ở khu đất hoang, ở bờ bụi, dễ có cơ hội tồn tại và phát triển, sau một thời gian sinh chồi nảy con, tạo thành bụi lớn với nhiều thân cột thon mảnh, có thể cao tới 3-4 m.
Cùng chi Caryota với cây đùng đình bụi vừa nêu, ở Việt Nam còn có một số loài đùng đình khác nữa. Trong số đó, có một loài chỉ mọc đơn độc từng cây một, không thành bụi, thường được gặp ở vùng rừng núi của nhiều tỉnh từ vùng Tây Bắc cho đến khu vực miền Trung Việt Nam, được gọi là đùng đình núi, có nơi gọi là móc, với tên khoa học là Caryota urens. Đây là một loài thân cột to lớn, có thể cao đến 10-15 m, đường kính thân 40-50 cm. Lá kép lông chim, có lá chét xẻ thùy hình tam giác, mép ngoài dài hơn mép trong, có răng cưa không đều phía trước. Cụm hoa ở nách lá, thành bông mo phân nhánh, dài 30-40 cm. Quả hình cầu lõm, đường kính 12-15 mm, màu đỏ nâu khi chín, có vỏ ngoài hơi dày, vỏ quả trong có nạt ngọt. Buồng quả thõng, dài tới 2-3 m, trông từ xa tựa như mái tóc xõa dài của một cô gái miền sơn cước, và khi quả rụng hết để lại xương buồng màu trắng xám, trông tựa như chòm râu của một tiên lão rất đẹp.
Đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi sử dụng cây đùng đình núi như một nguồn nguyên liệu làm rượu truyền thống, tương đương với cây đoác (Arenga saccharifera). Ở Thừa Thiên Huế, có lẽ xã A Ngo, huyện A Lưới là điểm đặc trưng có tập quán chế biến rượu trích từ dịch đường của buồng hoa chưa nở của cây đùng đình núi qua lên men với một ít vỏ cây chuồng (một loài cây gỗ trong họ Bứa). Họ cũng gọi là rượu tà-vạc, như rượu tà-vạc làm từ dịch đường của cây đoác (ở nhiều nơi) hoặc từ cây mây voi (ở xã A-Roàng). Vào những dịp lễ hội truyền thống, những ngày ma chay, kỵ giỗ, và đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở A Ngo xem rượu Tà-vạc làm từ đùng đình núi là một loại rượu truyền thống có giá trị. Vào dịp áp Tết, nhiều gia đình cũng bán ra hàng chục lít rượu loại này.
Do có dáng dấp đẹp nên còn được dùng làm cây cảnh. Ở miền núi, nhiều gia đình có khuôn viên sân vườn rộng, họ thường chọn trồng một vài cây đùng đình núi để vừa làm đẹp cảnh quan vừa làm nguyên liệu chế biến rượu dùng trong nhà.
Cây đùng đình núi cũng đã bắt đầu thâm nhập vào cảnh quan đô thị Huế, nhưng chưa được quan tâm phát triển. Hiện nay, cây được trồng ở ngay trước góc tiền sảnh cơ quan Chi cục Phát triển Lâm nghiệp ở đường Lê Hồng Phong là một ví dụ điển hình.
Đỗ Xuân Cẩm