Tham gia các hoạt động ngoại khoá, chia sẻ cùng bạn bè, người thân là cách mà giới trẻ vượt qua áp lực. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những tâm hồn mong manh

Dịp tết, Nguyễn Quốc Anh (phường Vỹ Dạ) không mấy thoải mái khi cùng bố mẹ tiếp khách tại nhà. Quốc Anh tâm sự: “Bố mẹ mình thường bảo, con của bạn bè cũng trạc tuổi mình, học giỏi, đi du học nước ngoài, có học bổng, hàng tháng đều gửi tiền về để bố mẹ mua sắm đồ dùng ở trong nhà. Điều đó khiến mình khá buồn vì cảm giác không bằng được người ta”.

Đồng cảm với Quốc Anh, Nguyễn Cẩm Ly (phường Trường An) thường tặc lưỡi, thở dài mỗi khi lướt mạng xã hội. Cẩm Ly cho biết, cô thường thấy các bạn học cùng khóa khoe đã tự kiếm được tiền để mua điện thoại, xe máy, đi du lịch… Những điều đó làm cho cô sinh viên không khỏi tự ti khi so sánh mình với bạn bè cùng trang lứa.

Câu chuyện của Quốc Anh, Cẩm Ly cũng đang là thực trạng của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Được sinh ra trong thời kỳ công nghệ bùng nổ, giới trẻ hiện nay được tiếp cận sớm với internet, di động và các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Google, Youtube, Instagram… Điểm thuận lợi này cũng là một nguyên nhân lớn gây nên những áp lực và các chứng bệnh về tâm lý ở giới trẻ, khiến họ ngày càng khép mình với thế giới, trở nên đơn độc và phải gồng mình để khẳng định vị thế bản thân, cùng với nỗi lo không sánh bằng bạn bè. Những áp lực ấy được gọi chung là peer pressure, hay áp lực đồng trang lứa.

Theo ThS. Nguyễn Thị Anh Đào, Phó khoa Xã hội học – Công tác Xã hội, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế, peer pressure - áp lực đồng trang lứa được hiểu là khi cá nhân chịu ảnh hưởng từ những người thuộc cùng một nhóm xã hội. Chẳng hạn như cùng lớp, cùng độ tuổi, cùng công ty, lĩnh vực chuyên môn,… Những áp lực này xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả khi còn ngồi ở ghế nhà trường, xoay quanh những câu chuyện hay những sự kiện trong chính cuộc sống của chúng ta. Đó là những áp lực vô hình từ điểm số, thành tích, mục tiêu hay thứ mà chúng ta vẫn cố gắng từng ngày để có được. Những ảnh hưởng này sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho một người bị chi phối về mặt tâm lý, suy nghĩ, hành vi.

Người bị peer pressure sẽ luôn cảm thấy tự ti, so sánh bản thân với người khác. Ngoài ra, một số biểu hiện khác như tự ti trước đám đông, luôn cảm thấy buồn chán, tiêu cực và thấy ghen tị, khó chịu với thành quả của người khác,...​“Những câu chuyện quen thuộc về “con của bạn bố, mẹ”, “bạn của mình”, “con nhà người ta” tưởng chừng chỉ là những lời nói bình thường, nhưng đối với thế hệ trẻ ngày nay, nó đã vô tình tạo ra áp lực khiến họ cảm thấy kém cỏi trong một thế hệ toàn những cá nhân vượt trội và giỏi giang”, ThS. Anh Đào chia sẻ.

Theo khảo sát của tổ chức Parent Further năm 2019, chỉ có khoảng 10% trong tổng số gần 1.000 người tham gia khảo sát này nói rằng, bản thân họ không bị ảnh hưởng bởi peer pressure. Ước tính cho rằng, cứ 6 người trẻ thì sẽ có 1 người hiện đang mắc chứng bệnh “rối loạn lo âu” và thậm chí 37% người cho biết rằng đã làm việc với bác sĩ tâm thần.

Qua những con số thống kê, có thể thấy người trẻ hiện tại đang gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần. Những "tâm hồn thủy tinh" ấy đang bị bào mòn theo mức độ phát triển của xã hội và khoa học – công nghệ.

Chia sẻ để chữa lành

ThS. Anh Đào cho biết, một số nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa ở giới trẻ có thể kể đến như việc tư duy và nhân cách của các bạn chưa phát triển ổn định, sự ảnh hưởng quá lớn của mạng xã hội đến cuộc sống của những người trẻ, hay chủ nghĩa tập thể với việc đề cao thứ bậc, vị trí, điểm số... vô tình đã khiến các bạn trẻ bị áp lực.

“Nhiều sinh viên từng tâm sự với tôi, rằng họ cảm thấy bản thân rất áp lực khi so sánh với bạn bè, người thân hoặc đơn giản là những người quen biết ở một nơi nào đó. Khi còn nhỏ, cái cụm từ “con nhà người ta” luôn ám ảnh trong tư duy của mỗi cô cậu học sinh. Đấy cũng là hình ảnh rõ nét trong áp lực đồng trang lứa”, ThS. Anh Đào chia sẻ.

Cũng theo ThS. Anh Đào, khi gặp vấn đề áp lực, bản thân không giải quyết được, các bạn trẻ nên chia sẻ với những người gần gũi nhất với mình, những người trong gia đình vì họ đều là người đã từng trải qua những vấn đề trong cuộc sống, họ sẽ cho các bạn những lời khuyên hữu ích. Ngoài ra, cô cũng đề cao việc các bạn trẻ đang mắc hội chứng áp lực đồng trang lứa tìm đến các chuyên gia tâm lý để được lắng nghe và nhận hỗ trợ cần thiết.

ĐĂNG TRÌNH