Tổng thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên 690,6 tỷ USD vào năm 2022. Ảnh minh hoạ: Reuters/Vietnam Finance

Theo dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, tổng thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên 690,6 tỷ USD vào năm 2022, vượt mức kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2018 (658 tỷ USD). Được biết, dữ liệu này không điều chỉnh theo lạm phát.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 153,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng lên 536,8 tỷ USD, chỉ dưới mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2018.

Theo đó, thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm của Mỹ với Trung Quốc đã tăng 8% trong năm 2022 -  mức thâm hụt lớn nhất được ghi nhận sau mức thâm hụt 419,4 tỷ USD vào năm 2018. Tổng thể, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với tất cả các nước đã tăng 12,2% lên gần 1.000 tỷ USD trong năm ngoái.

Các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ bị thách thức bởi những bất đồng giữa hai nước.

Mỹ đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hoá Trung Quốc, khuyến khích các công ty phương Tây đầu tư vào các “đối tác thương mại đáng tin cậy”, chẳng hạn như Ấn Độ. Tuy nhiên, số liệu mới này “cho thấy người tiêu dùng có suy nghĩ của riêng họ”, ông William Reinsch - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét.

Theo Politico, năm 2022 có thể là năm cao điểm đối với thương mại Mỹ-Trung, nhất là trong thời gian tới, nếu Mỹ rơi vào suy thoái làm giảm tổng nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc và các nhà cung cấp khác.

Một báo cáo gần đây của Tập đoàn tư vấn Boston dự báo thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm 63 tỷ USD/năm từ năm 2023 đến năm 2031, tương đương mức giảm khoảng 10%, do căng thẳng địa chính trị và chi phí lao động ở Trung Quốc gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự đoán là những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu vào năm 2031, với lợi thế từ chi phí lao động thấp và có vị trí địa lý thuận lợi.

Theo đó, thương mại giữa ASEAN với các nước và khu vực khác trên thế giới được kỳ vọng sẽ gia tăng trong những năm tới. Báo cáo của BCG dự báo thương mại hàng năm giữa Mỹ và ASEAN sẽ tăng thêm 236 tỷ USD trong giai đoạn 9 năm tới. Thương mại EU-ASEAN được dự báo sẽ tăng 172 tỷ USD, trong khi thương mại Nhật Bản-ASEAN tăng 272 tỷ USD và thương mại Trung Quốc-ASEAN tăng 438 tỷ USD vào năm 2031.

Xét về khía cạnh đối tác thương mại, Trung Quốc duy trì vị trí thứ ba trong số các đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ trong năm 2022, chiếm 13% tổng thương mại. Canada giữ vị trí đầu bảng với 14,9% thị phần, trị giá 793,8 tỷ USD, trong khi Mexico đứng thứ hai với 14,7%, tương đương 779,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, thay đổi duy nhất trong top 10 bảng xếp hạng các đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ so với năm 2021 chính là Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Việt là 138,9 tỷ USD, đưa Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 8 trong các đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ năm 2022.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Bloomberg)