Cấp cứu cho bệnh nhân lớn tuổi ở Cơ sở Chân Mây
Sau gần 10 năm hoạt động không phát huy hiệu quả, hệ thống thiết bị, cơ sở vật chất của Bệnh viện Chân Mây ngày càng xuống cấp. Theo Quyết định 751 ngày 8/8/2021 của UBND tỉnh, Bệnh viện Chân Mây sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, cơ sở Chân Mây được sử dụng là nơi thu dung điều trị COVID-19 cho gần 2.000 trường hợp. Tháng 4/2022, đơn vị được chuyển đổi trạng thái và đi vào hoạt động khám chữa bệnh trở lại. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, cơ sở Chân Mây (gọi tắt là CSCM) có các khoa: Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu; Khoa Dược - Kiểm soát nhiễm khuẩn - Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh; Khoa Nội - Truyền nhiễm - Y học cổ truyền; Khoa Ngoại-Phụ sản. Phục vụ khám chữa bệnh tại cơ sở có 7 bác sĩ đa khoa (BSĐK); trong đó có 6 BSCKI; 2 BS Y học cổ truyền; 1 BSCK Răng Hàm Mặt.
Thời gian đầu, CSCM gặp không ít khó khăn khi một số nhân sự cũ nghỉ việc/chuyển công tác, bộ máy phải tổ chức mới; vận hành lại máy móc, cơ sở hạ tầng… Do tình hình thiếu hụt nhân lực, TTYT huyện điều động BSĐK tăng cường cho Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu; điều động các kỹ thuật viên về y học cổ truyền, phục hồi chức năng đến hỗ trợ; điều động 1 BSĐK bổ sung cho Khoa Nội - Truyền nhiễm - Đông y - Phục hồi chức năng.
BSCKI. Trần Tiến Đạt phụ trách khám Nội – Nhi – Tai mũi họng có vợ cùng công tác tại BVĐK Chân Mây. Anh là người gắn bó với đơn vị y tế này từ thời gian đầu. Theo BS Đạt, số ca bệnh đến khám tăng lên, ngoài các bệnh mãn tính tái khám thường xuyên thì bệnh nhi cũng chiếm một tỷ lệ lớn.
Với nhiều người dân 4 xã khu II huyện Phú Lộc, CSCM vẫn là lựa chọn để kiểm tra, chăm sóc sức khỏe. Ông Phan D.H. 71 tuổi, bị tiểu đường nặng ở xã Lộc Vĩnh vào nằm viện cả tuần kể: “Tui coi bệnh viện đây như nhà vì đến điều trị thường xuyên. Những người già cả lắm bệnh nằm chung với tui đều tìm tới đây mỗi khi đau ốm. Thuận tiện nhất là gần nhà, trang thiết bị, y bác sĩ đầy đủ, bệnh nhân được chăm sóc chu đáo”. Bà Ng. T. Y. chăm chồng là ông Đ.P. 88 tuổi ở Lộc Thủy bị hen suyễn nặng phải cấp cứu, bảo: “Ông hay lên cơn đau bất tử. Mưa lạnh như ri là hồi hộp lắm. May cơ sở gần nhà, con cái chở chạy vù cái là tới. Vô đây được y bác sĩ kiểm tra thăm khám liền”.
Năm 2022, CSCM phục vụ gần 11.300 lượt khám chữa bệnh, trong đó có hơn 1.300 lượt điều trị nội trú; thực hiện hơn 200 phẫu thuật; gần 6.400 thủ thuật; gần 11.000 xét nghiệm cận lâm sàng. Năm 2022, CSCM đăng ký thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật mới về y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Nhờ vậy đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của một bộ phận người dân.
BSCKI. Ngô Văn Dũng, Phó Giám đốc TTYT huyện Phú Lộc, phụ trách quản lý cơ sở Chân Mây cho biết: “Mặc dù còn khó khăn, song đơn vị duy trì thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thường quy. Đã thực hiện được các kỹ thuật khó: kết hợp xương chày bằng nẹp vít, mổ lấy thai lần III, cắt tử cung bán phần do đa u xơ tử cung/vết mổ cũ...”.
Đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ CSCM trong năm qua, song ông Ngô Văn Dũng vẫn khá âu lo trước những khó khăn, tồn tại: Mỗi chuyên khoa chỉ có một bác sĩ nên ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh khi nhân sự này nghỉ trực, nghỉ phép hoặc có công tác đột xuất. Một số trang thiết bị y tế chủ lực thiếu hoặc hỏng như máy huyết học, máy siêu âm 4D… Đặc biệt, thu nhập cán bộ còn thấp, kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến tư tưởng công tác. Đó cũng là nguyên nhân khiến một BS Khoa Ngoại – Phụ sản xin nghỉ việc. Đây cũng là trăn trở của người làm công tác quản lý.
Nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh, CSCM sẽ triển khai thêm các kỹ thuật mới, nâng cao các kỹ thuật về cận lâm sàng. Phối hợp với TTYT huyện để điều trị bệnh nhân, hạn chế chuyển tuyến, nhất là đối với những trường hợp nằm trong khả năng. Bắt nhịp chuyển đổi số, đơn vị cũng triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu, tạo điều kiện tốt nhất về thanh toán viện phí, thực hiện hồ sơ điện tử… giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.
PGS. TS. BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho rằng, song song với công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ là điều cần thiết nhằm khẳng định tên tuổi đơn vị. “Cần kiện toàn, nâng cấp về mặt nhân lực. Trên cơ sở xác định đặc thù dân cư, yêu cầu phải tiến tới thay đổi, hoàn thiện phương thức hoạt động của CSCM. Đặc biệt mở rộng can thiệp phẫu thuật, nâng cấp số giường bệnh phục vụ người dân, người lao động tại chỗ và khu công nghiệp… hướng tới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho 40 ngàn lao động khu vực này”, PGS. TS. BS. Trần Kiêm Hảo khẳng định.
Bệnh viện Chân Mây trước đó được cung cấp nhiều trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên do tình trạng thực tế, một số trang thiết bị không/sử dụng rất ít. Sở Y tế đã chỉ định đội kỹ thuật về thực tế kiểm tra, đánh giá, bảo dưỡng, sữa chữa các trang thiết bị trong khả năng. Trang thiết bị hư hỏng hoặc chưa sử dụng được tập trung bảo quản. Nhiều trang thiết bị điều chuyển cho các đơn vị thuộc TTYT huyện Phú Lộc như nồi hấp, máy điện tim, máy siêu âm 2D, nội soi chẩn đoán…
Bài, ảnh: LINH TUỆ