WHO khuyến nghị cần chuẩn bị cho các đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1. Ảnh: AFP/Baochinhphu

Trong cuộc họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng H5N1 đã lây lan ở gia cầm và chim hoang dã trong 25 năm qua, nhưng các báo cáo gần đây về các ca lây nhiễm ở chồn, rái cá và hải cẩu “cần được theo dõi chặt chẽ”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh cúm gia cầm là do nhiễm virus cúm gia cầm A và thường ảnh hưởng đến các loài chim sống dưới nước (như vịt, bồ nông và thiên nga), nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến gia cầm (như gà và gà tây) và các động vật khác, kể cả con người.

CDC cho biết đợt bùng phát H5N1 hiện tại ở Mỹ đã ghi nhận một trường hợp nhiễm bệnh ở người, hơn 6000 con chim hoang dã mắc bệnh và hơn 58 triệu con gia cầm bị ảnh hưởng. Đây là đợt bùng phát cúm gia cầm nguy hiểm nhất trong gần 10 năm qua tại nước này.  Ấn Độ cũng báo cáo ít nhất 1 người đã tử vong vì cúm gia cầm. Do đó, dù việc lây nhiễm ở người là rất hiếm, nhưng nhiều chuyên gia vẫn hết sức lo ngại rằng một ngày nào đó nó có thể bùng phát và lây lan mạnh sang người.

Theo các chuyên gia, mặc dù các loài chim hoang dã đã lây nhiễm H5N1 cho gia cầm từ lâu, nhưng việc căn bệnh này lây lan sang các loài chim di cư đã làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể biến đổi thành một biến thể mới và truyền sang người, vì các loài chim di cư có thể lây lan rộng rãi hơn và sang nhiều loài động vật hơn.

Vào tháng 10/2022, căn bệnh này bắt đầu lây lan giữa những con chồn tại một trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha, đánh dấu lần đầu tiên virus đột biến để có lợi cho việc lây truyền từ động vật có vú sang động vật có vú, theo Science.

Đánh giá của WHO cho rằng rủi ro đối với con người từ cúm gia cầm vẫn ở mức thấp, khi dữ liệu cho thấy các trường hợp mắc cúm gia cầm H5N1 ở người rất hiếm kể từ khi chủng cúm này xuất hiện vào năm 1996.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể cho rằng việc ít lây truyền ở người sẽ tiếp tục xảy ra và chúng ta phải chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiện trạng”, ông Tedros nói.

Theo WHO, mọi người được khuyên không nên chạm vào động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh mà thay vào đó hãy báo cáo với chính quyền địa phương và quốc gia, những người đang theo dõi tình hình.

WHO cũng khuyến nghị tăng cường giám sát ở những nơi con người và động vật tương tác với nhau.

“WHO cũng đang tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất để đảm bảo rằng, nếu cần, nguồn cung cấp vaccine và thuốc kháng virus cúm gia cầm sẽ có sẵn để sử dụng trên toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

Được biết, có một số loại vaccine cúm gia cầm đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Adjuvented, do ID Biomedical Corporation sản xuất đã được FDA chấp thuận vào năm 2013 để sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ phơi nhiễm cao. Được sản xuất bởi Seqirus, Audenz đã được FDA chấp thuận vào năm 2020 và có thể được sử dụng cho người từ sáu tháng tuổi trở lên để bảo vệ khỏi H5N1. Tuy nhiên, lượng dự trữ vaccine cúm gia cầm H5N1 và H7N9 ở Mỹ được cho là không lớn, vì vậy nếu một đợt bùng phát xảy ra ở người, lượng vaccine này sẽ không đủ để chống lại đợt bùng phát. 

Ngoài ra, cũng có những lo ngại rằng một khi dịch bệnh biến đổi thành các biến thể mới, các loại vaccine cũ được dự trữ có thể không còn hiệu quả. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy vaccine H5N1 được sản xuất vào năm 2004 vẫn có hiệu lực sau 12 năm. Một nghiên cứu riêng biệt vào năm 2017 cho thấy vaccine H5N1 được sản xuất vào năm 2004 và 2005 đã bảo vệ chống lại virus H5N2 ở chồn sương vào năm 2014.

Tố Quyên (Lược dịch từ AP & Reuters)