Không chỉ ở Vinh Thanh, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, các sân cỏ nhân tạo đã được đầu tư xây dựng khang trang từ Lăng Cô, Lộc Sơn (Phú Lộc), Thuận An (Phú Vang), Tứ Hạ (Hương Trà), Phú Bài (Hương Thủy) hay gần đây nhất là 2 sân cỏ nhân tạo đã được hoàn thành tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền...

 

Sân bóng cỏ nhân tạo tại xã Lộc Sơn (Phú Lộc) - sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên địa phương. Ảnh: Võ Nhân

Từ sự ra đời của các sân cỏ nhân tạo ở nhiều vùng nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện thể thao cho thanh thiếu niên ngày một chuyên nghiệp hơn. Chuyện các giải bóng đá ở nông thôn chỉ tổ chức một năm đôi ba lần vào các ngày lễ, tết đã không còn mà thay vào đó, nhiều đội bóng của làng, xã đã được tập hợp và thi đấu thường xuyên… Nói cách khác, thanh niên nông thôn bây giờ đã có thêm những sân chơi mới để giải trí, rèn luyện sức khỏe và thi thố tài năng…

Một trong những nét nổi bật của thể thao Huế trong những năm gần đây là việc phát triển môn bóng đá bãi biển. Trong những kỳ lễ hội biển mùa hè hàng năm ở Lăng Cô hay Thuận An, môn thể thao này đã được đưa vào chương trình lễ hội thu hút người xem và là sân chơi cho thanh niên các xã ven biển.

Bóng đá bãi biển của Huế cũng từng giành thành tích cao tại các giải vô địch quốc gia hàng năm và cũng góp mặt các cầu thủ cho đội tuyển bóng đá bãi biển quốc gia giành HCB Đông Nam Á năm 2014. Hiện nay, thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận là hai địa phương của huyện Phú Vang có phong trào bóng đá bãi biển mạnh. Các cầu thủ của hai địa phương này được thi đấu thường xuyên và tỏ ra vượt trội so với các đội bóng của các địa phương ven biển trong tỉnh. Điều này cho thấy, bóng đá bãi biển cần phải có chiến lược đầu tư từ cấp tỉnh, từ đó thành lập được các đội bóng của các xã, huyện. Bước tiếp theo là nên đưa bóng đá bãi biển vào hệ thống thi đấu hàng năm của thể thao tỉnh nhà…

Một trong những sự kiện thể thao nhiều ý nghĩa vừa diễn ra tại TP Huế trong những ngày đầu tháng 6 này là Cúp Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam lần III. Đây là Cúp bóng đá phong trào có quy mô lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Để có được một sân chơi lớn và ý nghĩa như thế này, trong hơn một thập kỷ qua, Dự án Bóng đá Cộng đồng đã phát triển các hoạt động bóng đá phong trào, không cạnh tranh dành cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, với sự chú trọng đặc biệt đến nhóm trẻ thiệt thòi và thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nữ. Ngoài ra, nhiều sân bóng đá đã được Dự án tài trợ xây dựng tại các trường tiểu học, THCS từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Đây thật sự là sân chơi thể thao lành mạnh dành cho các em học sinh, nhất là học sinh nông thôn vốn lâu nay vẫn rất thiếu một sân chơi thể thao thực thụ.

Cùng với bước phát triển thể thao phong trào ở TP Huế, trong vòng 5 năm trở lại đây, các sân chơi thể thao ở khu vực nông thôn như các câu lạc bộ cầu lông, tennis, bơi lội, võ thuật… đã ra đời ở Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, góp phần nâng cao chất lượng thể thao phong trào tỉnh nhà. Tất nhiên, điều kiện cần là hệ thống sân thi đấu, nhà thi đấu cũng đã được đáp ứng một cách đầy đủ. Minh chứng là tháng 4/2015, giải vô địch Vật dân tộc toàn quốc lần thứ 19 đã được tổ chức tại Nhà thi đấu huyện Quảng Điền. Đây là lần đầu tiên huyện Quảng Điền đăng cai tổ chức một giải đấu thể thao lớn cấp quốc gia.

Những sự kiện trên cho thấy, sân chơi thể thao ở các vùng nông thôn đã có sự thay đổi về chất lẫn về lượng – đây chính là tín hiệu vui của thể thao phong trào lẫn đỉnh cao của Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Thanh Phi