Sức khoẻ toàn cầu sẽ là chương trình nghị sự hàng đầu được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 8/2 giữa các ngoại trưởng G7 do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng nói rằng các nỗ lực quốc tế nên được tiếp tục và bao gồm cả việc chuẩn bị cho “các hành động được thực hiện sau giai đoạn cấp tính của đại dịch”.
Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 4 và cũng là cuộc họp cuối cùng của sáng kiến “Kế hoạch hành động toàn cầu đối phó với COVID-19”, được đưa ra cách đây một năm và có sự tham gia của hơn 30 quốc gia, Liên minh châu Âu và các tổ chức khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định “chúng ta đã đạt được bước tiến đáng kể”, đồng thời ca ngợi sáng kiến được Mỹ đề xuất nhằm giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu, với gần 64% người dân trên khắp thế giới hiện đã được tiêm hai liều vaccine cơ bản đầu tiên chống lại virus SARS-CoV-2.
“Đại dịch không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe… An ninh y tế là an ninh quốc gia”, ông Blinken nhấn mạnh.
Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, nhờ sự hợp tác của các nước - vượt khỏi biên giới và các cách tiếp cận truyền thống, kế hoạch trên đã thành công trong việc củng cố chuỗi cung ứng và cải thiện việc phân phối các mặt hàng cần thiết để chống lại dịch bệnh này, đồng thời ngăn chặn thông tin giả và thông tin sai lệch về vaccine.
Tuy nhiên, ông Blinken cũng lưu ý các nước cần tránh tự mãn, khi những thách thức như số lượng lớn người già và người bị suy giảm miễn dịch chưa được tiêm phòng vẫn còn dai dẳng.
Rút kinh nghiệm từ việc đối phó với những đợt bùng phát trước đó như Ebola và Zika, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng về lâu dài, cần thể chế hóa vai trò của các bộ ngoại giao trong kế hoạch ứng phó với COVID và áp dụng vai trò đó vào những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường an ninh y tế.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Japantimes)