1. Đó là câu chuyện rôm rả nhất trong những ngày này của những phụ huynh có con chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2023, không gì khác ngoài chuyện chọn trường cho con. Quan điểm là để các con tha hồ chọn lựa ngành yêu thích, song cũng có người thấy tiếc rẻ khi đáng lý ra nếu để ý hơn, con đã có thể có cơ hội chọn trường có chất lượng. Bởi, nhiều trường đại học đưa ngoại ngữ quốc tế làm tiêu chí xét tuyển. Thế nên, những bà mẹ thế hệ 7X rôm rả bàn xung quanh chứng chỉ IELTS.

Một phụ huynh cho rằng, cần thiết đầu tư cho con có chứng chỉ IELTS. Chị dẫn chứng, cô con gái sinh năm 2003 của chị đã trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao theo phương thức xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh kết hợp điểm học bạ. Với IELTS 7.5 và kết quả học tập THPT nổi bật, con chị được chọn vào ngôi trường mơ ước, chỉ cần đỗ tốt nghiệp, con sẽ đủ điều kiện nhập học.

Tôi không ngạc nhiên trước thông tin chị đưa ra, khi chừng 5 năm trở lại đây, chứng chỉ IELTS đã giúp học sinh nâng cao khả năng trúng tuyển đại học. Từ chỗ chỉ các trường kinh tế top đầu tiên phong sử dụng IELTS thì nay nhiều trường thuộc khối kỹ thuật, như Đại học Bách khoa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hay các trường đào tạo y dược, như Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP. Hồ Chí Minh hay Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp với thí sinh có chứng chỉ IELTS. Điều này cũng dễ hiểu, với xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho công dân toàn cầu, thì việc các trường đại học (nhất là các trường hàng đầu) sử dụng các tiêu chí chuẩn hóa quốc tế, được công nhận rộng rãi trên thế giới để tuyển sinh đáng được ghi nhận.

2. Phụ huynh đang lo ngại đến tính công bằng trong tuyển sinh ở các trường đại học. Chính sách này đã tạo ra cuộc chạy đua học và thi lấy bằng IELTS, đặc biệt phổ biến ở thành phố để rộng cửa vào đại học. Phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Thừa Thiên Huế nhiều năm nay phản ánh rõ sự chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa thành thị và nông thôn. Trong khi đó, "miếng bánh" chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đang bị chia nhỏ với nhiều phương thức.

Phụ huynh bắt đầu sốt ruột, "triệu tập" con đến để chấn vấn. Vì sao học IELTS tiện ích là vậy mà các con không chịu đi học? Trấn an phụ huynh, một cô bé học lớp 12 đưa ra hàng loạt lý do và cho rằng, con đã tìm hiểu rất kỹ khi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất. Các trường đại học đều thông báo rộng rãi nhiều phương thức tuyển sinh. Trong đó, chỉ tiêu của các phương thức cũng khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn theo năng lực, sở trường của mình. Nhiều trường không xét tuyển hết những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ rồi mới xét tới thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức này độc lập, ngang hàng, đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tạo ra khả năng tiếp cận bình đẳng.

Nhiều em học sinh cũng bày tỏ, có những trường các con chọn không yêu cầu IELTS thì trước mắt chưa nhất thiết phải học. Hơn nữa, để có chứng chỉ này không đơn giản, tốn thời gian, tiền bạc mà chưa chắc đã vượt qua. Trong khi, các em muốn tập trung thời gian, sức lực cho các môn để thi đại học, với hy vọng sẽ có cơ hội chọn trường ưa ý.

Cái lý của con được phụ huynh chấp nhận. Nhiều chị cho rằng, không phủ nhận vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh trong thời buổi hội nhập. Tuy nhiên, nếu áp đặt ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ IELTS làm tiêu chuẩn đầu vào, các trường có thể lấy đi cơ hội học tập của những thí sinh có năng lực, ý chí, nhưng chưa giỏi tiếng Anh vì điều kiện học tập ở phổ thông khó khăn.

Nhiều em cũng thể hiện rõ quan điểm, chuẩn ngoại ngữ cả đầu vào và đầu ra chỉ nên ở mức tương đối. Hãy để các em phấn đấu học ngoại ngữ trong quá trình học tập với những mục tiêu, động lực của riêng mình. Sau khi đi làm, các em sẽ tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ với yêu cầu của công việc. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh cũng không còn lăn tăn khi con đã thực sự khôn lớn, biết thời điểm nào là phù hợp để trang bị hành trang vào đời cho mình.

Bài, ảnh: Huế Thu