Phát triển chăn nuôi heo từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển sinh kế tại xã Hương Nguyên. Ảnh: Huyện đoàn A Lưới

Đồng hành

Thiếu vốn chăn nuôi, sản xuất luôn là nỗi niềm trăn trở của anh Trần Văn Thị (33 tuổi) và chị Hồ Thị Thương (29 tuổi), trú tại xã Hương Nguyên. Nắm bắt được nguyện vọng của hai đoàn viên, Đoàn xã Hương Nguyên đã hỗ trợ kinh phí mua bò giống từ Quỹ Phát triển sinh kế do Huyện đoàn A Lưới giao quản lý.

Bí thư Đoàn xã Hương Nguyên Trần Văn Tuấn thông tin, từ Quỹ Phát triển sinh kế, đơn vị đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ thanh niên lập nghiệp có hiệu quả. Với mô hình hỗ trợ bò giống, có 28 hộ vay với số tiền là 290 triệu đồng. Sau 4 năm triển khai, hiện mô hình có 40 con bò, trong đó có 5 bò mẹ đang mang thai. Có hai hộ vay vốn nuôi heo đã xuất chuồng lần lượt là 10 con và 6 con, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Mở rộng toàn huyện, mô hình Quỹ Thanh niên lập nghiệp và Quỹ Hỗ trợ phát triển sinh kế được duy trì hiệu quả với số vốn đến nay hơn 500 triệu đồng; từ lúc thành lập đến nay, đã giải ngân cho 74 thanh niên, tổ hợp thanh niên vay, với số tiền là 800 triệu đồng.

Theo anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới, riêng trong năm 2022, mô hình trên đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho 16 đoàn viên, thanh niên, tổ hợp tác thanh niên vay vốn với trị giá 170 triệu đồng. Qua đó, có thể thấy nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh và lập nghiệp của thanh niên A Lưới rất lớn, đây cũng là vấn đề được các cấp bộ Đoàn đặc biệt quan tâm.

Chung tay giảm nghèo bền vững

Theo thông tin từ Huyện đoàn A Lưới, toàn huyện có 1.440 hộ thanh niên nghèo. Đây là nhóm đối tượng được các cấp bộ Đoàn đã và đang đặc biệt quan tâm giúp đỡ.

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Huyện ủy A Lưới về GNBV giai đoạn 2022-2025, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã ban hành Kế hoạch thực hiện và tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách, phân tích tình trạng nghèo của thanh niên trên địa bàn.

Năm 2022, tiếp nhận hỗ trợ từ nguồn của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn, Trung tâm Dịch vụ khuyến nông tỉnh và các tổ chức khác, Huyện đoàn đã xây dựng 55 mô hình gà với 6.500 con giống, 16 tấn thức ăn; hỗ trợ xây dựng 30 mô hình rừng kinh tế  quy mô 30ha, 3 mô hình nuôi bò bán thâm canh, 2 mô nuôi hình lợn lai, 1 mô hình nuôi ếch công nghiệp... Tổng trị giá các hoạt động hỗ trợ sinh kế trên 1,2 tỷ đồng.

Ngoài hỗ trợ các hộ nghèo, các cấp bộ Đoàn còn tích cực vận động đoàn viên, thanh niên mạnh dạn vay vốn đầu tư vào các mô hình sinh kế như: Trồng chuối hàng hóa, rừng kinh tế, nuôi bò bán thâm canh, mở gia trại nuôi heo bản, nuôi dúi, chồn hương... và các loại hình kinh doanh dịch vụ. Một số tổ chức Đoàn cũng mạnh dạn kêu gọi đoàn viên, thanh niên góp vốn cùng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tiêu biểu như: Đoàn xã Hồng Thượng với mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi đất bán ngập cầu A Sáp; mô hình du lịch sinh thái của Đoàn xã Trung Sơn tại suối A Lin; HTX Dịch vụ du lịch xã Hồng Hạ; HTX Du lịch A Roàng…

Bí thư Huyện đoàn A Lưới Trần Toàn thông tin: Công tác tuyên truyền, hỗ trợ đưa thanh niên đi lao động ở nước ngoài cũng đạt được những kết quả tích cực. Năm 2022, có 18 thanh niên đi làm việc tại các thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và 19 thanh niên đang chờ xuất cảnh, 13 thanh niên đang học và 57 thanh niên đã đăng ký học.

Huyện đoàn còn phối hợp với các công ty tuyển dụng việc làm hỗ trợ gần 200 thanh niên vào làm việc tại nhiều công ty trong và ngoài tỉnh.

“Huyện đoàn A Lưới sẽ tiếp tục chung sức cùng cả hệ thống chính trị chung tay GNBV. Với các thanh niên thuộc hộ nghèo và cận nghèo, các cấp bộ Đoàn sẽ tập trung vào phân tích, tìm hiểu nguyên nhân “gốc rễ” để đưa ra hướng hỗ trợ thoát nghèo phù hợp với từng trường hợp. Quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động để đoàn viên, thanh niên có ý chí phấn đấu, siêng năng lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo”, Bí thư Huyện đoàn A Lưới Trần Toàn nhấn mạnh.

MINH NGUYÊN