(Hồi âm bài viết “Thủ tục để được tạm trú”)

Một ngày đầu xuân bỗng dưng được anh em bên công an mời cà phê sáng. Khi chưa nghỉ hưu thì chuyện cà phê sáng, hay lai rai cuối chiều với anh em là chuyện rất bình thường. Nhưng là với anh em bên an ninh văn hóa, còn lần này là anh em bên quản lý hành chính và trật tự xã hội. Số là tôi vừa có bài viết phản ảnh về rắc rối của mình và người thân gặp phải khi làm thủ tục tạm trú khi không còn hộ khẩu giấy (bài trên báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 28/1). Thế nên tôi gọi đây là Hồi âm bài viết “Thủ tục để được tạm trú”.

Câu chuyện chân tình ở quán cà phê đã giúp tôi và anh em công an thấu hiểu nhau hơn và có cái nhìn đồng cảm. Hóa ra anh em còn vất vả hơn mình rất nhiều kể từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực, và tiếp đó là chủ trương bỏ sổ hộ khẩu, thực hiện đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) sang quản lý bằng số hóa, kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân. Chỉ riêng mấy ngày tết, từ ngày 20/1-27/1/2023, lực lượng công an toàn tỉnh đã làm thủ tục thu nhận hơn 1.800 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD).

Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy thực tế bước đầu triển khai vẫn đang gặp phải một số khó khăn đối với công dân cũng như với cán bộ tiếp nhận giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính. Lý do là thiết bị tra cứu thông tin công dân trên thẻ CCCD thông qua mã QR, thẻ chip chưa được trang cấp đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ công dân thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử trên địa bàn còn thấp nên việc tra cứu thông tin trên cổng dịch vụ công còn khó khăn.

Lý do thứ hai, việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa hoàn thành, như: dữ liệu về nhà ở, đất ở; dữ liệu hộ tịch về kết hôn, khai tử, giám hộ...

Lý do thứ ba, trang thiết bị và khả năng công nghệ thông tin của cán bộ cấp cơ sở chưa đáp ứng nên việc thực hiện số hóa, dịch vụ công chưa thực sự hoàn hảo… Một chủ trương đúng, nhưng việc triển khai thiếu tính đồng bộ thì những chuệch choạc ban đầu là chuyện hiển nhiên. Việc gì mà chỉ có sự nỗ lực của một ngành chắc chắn là bất cập. Chúng ta hay dùng từ “cả hệ thống chính trị vào cuộc” là vậy.

Hết cữ cà phê, chia tay nhau, tôi giật mình, chuyện nhỏ mà trao đi đổi lại hết 1 giờ 30 phút. Lại nữa, chuyện này trong nghề báo thường gọi là “Tòa soạn và bạn đọc”, là “Hồi âm”. Chung quy lại là hồi âm một bài báo. Có điều là hồi âm thông qua tác giả bài viết. Cũng vui là bài báo đã có hiệu quả nhất định. Báo có nhiều người đọc vì chạm đến sự quan tâm của nhiều người. Với đích đến là tìm được sự thấu hiểu, sự chia sẻ để đạt được sự đồng thuận trong mọi công việc.

THANH TÙNG