Thầy và trò Trường THPT Gia Hội tăng tốc ôn tập
Giữ nguyên cấu trúc đề thi
Nhiều "sĩ tử" loay hoay với đề bồi dưỡng kiến thức. Những học sinh có học lực yếu, các trường phân công giáo viên bộ môn và chủ nhiệm theo dõi, động viên, hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn. Ngoài 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh bắt buộc, học sinh lớp 12 bắt đầu đăng ký môn ôn tập theo 2 ban khoa học tự nhiên và khoa học xã hội…
Theo Hiệu phó Trường THPT Bình Điền, học sinh tự nguyện đăng ký ôn tập theo khối thi. Giáo viên thuộc các tổ, nhóm chuyên môn đã tăng cường trao đổi để bám sát đề minh họa và các dạng đề thi tốt nghiệp những năm trước để triển khai cho học sinh ôn tập. Với học sinh có học lực đuối hơn, nhà trường mở lớp phụ đạo vào cuối tuần, giúp các em hoàn thiện, nâng cao kiến thức.
Thách thức với giáo viên ở thời điểm này là hỗ trợ, hướng dẫn học sinh ôn tập. "Học sinh không chỉ thi tốt nghiệp THPT mà còn tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để lấy kết quả xét tuyển đại học. Hiện, có nhiều đơn vị tổ chức các kỳ thi này song đều không tổ chức luyện thi. Qua các đề thi tham khảo cho thấy, có cấu trúc rất khác với thi tốt nghiệp. Điều này khiến học sinh bối rối và giáo viên cũng phải nghĩ đến hướng ôn tập cho các em để có kiến thức, kỹ năng đủ đáp ứng các kỳ thi khác nhau", cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng, Hiệu phó Trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có cấu trúc vẫn giữ ổn định như năm 2022. Dự kiến, môn toán vẫn gồm 50 câu hỏi, trong đó có 5 câu thuộc về kiến thức lớp 11 và 45 câu còn lại thuộc về kiến thức lớp 12; có 24 mã đề khác nhau và có 4 mã đề thi chính thức. Tương tự với các môn thi khác, hầu hết kiến thức đều thuộc về lớp 12. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh không nên chủ quan để đánh rơi điểm ở những câu hỏi kiến thức của lớp 11.
Và những băn khoăn...
Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học. Việc này đã được thực hiện 2 năm qua, nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, điều này khiến một số giáo viên băn khoăn bởi lâu nay, học sinh vẫn quen với việc “thi gì học nấy”, chứ không phải “học gì thi nấy”. Nếu đề thi thực tế khác với đề thi minh họa sẽ có những học sinh mất điểm.
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, giáo viên sẽ sử dụng những dữ liệu ngoài sách giáo khoa trong xây dựng đề thi kiểm tra định kỳ và kiểm tra thường xuyên môn ngữ văn. Các giáo viên sử dụng ngữ điệu mới, ngoài sách giáo khoa trong phần đọc hiểu và phần làm văn. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn mới, yêu cầu học sinh phải nắm được cấu trúc, yêu cầu của đề thi, các dạng đề khác nhau để học, ôn luyện hiệu quả hơn. Việc sử dụng dữ liệu ngoài sách giáo khoa đòi hỏi cả học sinh và giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhưng cũng “cởi trói” cho cả giáo viên và học sinh về việc học tủ, đoán tủ.
Em Nguyễn Tường An, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng, thông tin đổi mới trong đề thi văn và đề tiệm cận một phần nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới cũng khiến em chờ đợi. Liệu đề thi tiệm cận với mục tiêu yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cấu trúc đề thi có thay đổi? Những băn khoăn này có thể giải tỏa khi có đề thi tham khảo. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên dạy lớp 12, chưa có đề thi tham khảo, giáo viên chưa thể hướng dẫn học sinh ôn tập. Thế nên, phải chờ đề thi tham khảo và hướng dẫn của Bộ để có kế hoạch ôn tập sát hơn cho học sinh.
Một số học sinh các trường THPT tại TP. Huế, các em mong muốn có đề thi tham khảo và hướng dẫn cụ thể về những nội dung chương trình sẽ không nằm trong phạm vi đề thi. Cụ thể là những nội dung đã được điều chỉnh không học, hoặc chuyển sang tự học, tự đọc trong giai đoạn dịch COVID-19 năm trước không có trong đề thi, năm nay liệu có thay đổi ?
Bài, ảnh: Huế Thu