Từ những câu chuyện…

Buổi sáng mưa lạnh, mẹ bảo để mẹ chở đến trường bằng ô tô. Mặc cho con lo lắng sợ tắc đường, sợ trễ học… mẹ vẫn loay hoay mãi với phấn son, trang sức, quần áo… Rồi cũng tới trường con, trống đã đánh vào học, cổng trường khép lại... Đứa bé mếu máo: “Con trễ học rồi, bị thầy giám thị ghi sổ, lớp bị trừ điểm thi đua, cô giáo chủ nhiệm khiển trách con!”. Mẹ bảo: “Yên tâm, để mẹ viết đơn xin phép do hư xe nên con muộn học, được chưa?!”.

Vậy đó, đôi lúc bố mẹ vô tình dạy cho con cách nói dối, cách xử lý thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực, thậm chí là thách thức và liều lĩnh… Bố mẹ không nghĩ rằng, chính cách cư xử của người lớn sẽ đi vào tiềm thức của trẻ, tác động đến nhận thức của các cháu và từ đó sẽ hình thành nên suy nghĩ, thái độ, hành vi và lối sống của trẻ.

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện của ba em nữ sinh cách đây gần chục năm trên chiếc ghế đá sân trường, lúc ấy học sinh đã về gần hết. Bốn cô trò ngồi trên ghế đá tâm sự. Một em vừa khóc vừa kể, bố em cứ uống rượu say là chửi em, bắt em nghỉ học… Một em khác vừa lau nước mắt vừa chia sẻ rằng: “Em thì ngược lại, ba thương em lắm nhưng mẹ thì hay mắng. Không hiểu sao cứ có chuyện không hài lòng là mẹ đổ sự bực tức lên em không cần lý lẽ… ”. Thấy hai bạn khóc, em kia cũng khóc theo. Câu chuyện tưởng chừng như không có gì, nhưng nếu những đứa trẻ mới lớn vốn nhạy cảm không có ai để sẻ chia, để định hướng, gặm nhấm nỗi buồn phiền lâu ngày dần sẽ dẫn đến trầm cảm, chán nản, mất phương hướng mà nguyên nhân chính là từ bố mẹ - những người thân yêu nhất của mình.

Một lần, đang giảng bài tôi nhìn thấy nhiều em học sinh xúc động vì nội dung liên quan đến tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái. Một em nữ sinh hai hàng nước mắt chảy trên má. Tôi nhẹ nhàng đến bên cạnh lau nước mắt cho em, định cuối tiết sẽ hỏi xem có chuyện gì... Thế nhưng, em ấy đã xin phép ra ngoài, đến phòng vệ sinh. Tôi gọi điện cho chủ nhiệm để xin số điện thoại của phụ huynh liên lạc hỏi xem có chuyện gì. Chưa kịp gọi thì mẹ của cháu ấy gọi cho tôi và xin phép đến trường nhờ tôi tư vấn. Thì ra, bố mẹ em ấy sắp ly hôn. Em ấy biết chuyện, thất vọng và đau khổ trước quyết định của bố mẹ, còn bảo: “Nếu bố mẹ ly hôn con sẽ bỏ học”!

Hạnh phúc gia đình chính là nền tảng hình thành nên nhân cách của trẻ. Hoàn cảnh  gia đình đôi lúc tạo nên những nút thắt mà nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ tạo ra những bước ngoặt trong cuộc đời của con cái. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất của con cái, mà còn ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ.

Hãy làm gương cho con!

Nền tảng gia đình có vai trò rất quan trọng trong giáo dục con cái. Nếu mỗi gia đình có nề nếp… sẽ góp phần quan trọng trong giáo dục và hình thành nhân cách cho con cái. Để làm được điều này, ngoài truyền thống gia đình, các bậc phụ huynh, những người bố, người mẹ, người thân trong gia đình cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc giáo dục con cái. Bố mẹ hãy trở thành một người bạn đồng hành của con để các con không cảm thấy lạc lõng.

Đồng hành để biết con đang cần gì, đang có suy nghĩ gì, đang bị vướng mắc vấn đề gì để giúp con giải quyết kịp thời và điều quan trọng và trên hết là bố mẹ phải là tấm gương sáng cho con noi theo. Việc làm gương của bố mẹ rất quan trọng, nó tác động hàng ngày giờ lên con trẻ. Muốn con ứng xử có văn hóa, ăn nói có lễ thì trước hết bố mẹ phải ứng xử văn hóa và ăn nói có lễ mới có thể dạy bảo con…

Trong cuộc sống, có những gia đình hoàn cảnh nghèo nhưng liêm khiết, dù bố mẹ không được ăn học nhiều nhưng luôn dạy con cầu cái chữ. Thương bố mẹ làm lụng vất vả, các con đã nỗ lực học hành đỗ đạt làm rạng danh cho gia đình. Điều tôi muốn nói ở đây là bố mẹ làm gương cho con ở chính con người và phẩm chất của họ.

Nguyễn Thị Hoa Phượng