Công ty CP Dệt may Huế đảm bảo việc làm cho người lao động dù thị trường hiện đang khá ảm đạm

Nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2022 là năm bất thường chưa từng có khi thị trường dệt may xoay chiều khiến nhiều DN lao đao. Nếu như 2 quý đầu năm 2022, các DN dệt may đơn hàng làm không xuể thì sang quý 3, quý 4, nhất là khoảng từ tháng 8, thị trường đi xuống một cách đột ngột và kéo dài sang quý 1/2023. Và dệt may Huế cũng không tránh khỏi ảnh hưởng này.

Theo Sở Công thương, những tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển khá tốt nhờ thị trường tiêu thụ phục hồi tích cực sau ảnh hưởng của COVID - 19.

Ngoài việc DN đẩy mạnh ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đối tác nước ngoài, nhờ năng lực tăng thêm của các dự án mới, như: nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina, nhà máy sợi của Công ty CP Sợi Phú Bài, Công ty CP Vinatex Phú Hưng đưa vào hoạt động năm 2021 và các dự án nhà máy may xuất khẩu số 2 của Công ty CP Dệt may Phú Hòa An công suất 2 triệu sản phẩm/năm; nhà máy nâng công suất của Công ty Scavi tại KCN Phong Điền đưa vào hoạt động trong năm 2022… đã góp phần thúc đẩy ngành dệt may đạt tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, từ quý 3/2022 đến nay, do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu, nguyên vật liệu theo thang; tình hình lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu... dẫn đến các thị trường tiêu thụ chính như EU, Mỹ, Trung Quốc… gặp khó khăn và bị giảm mạnh.

Qua tìm hiểu, những tác động tiêu cực trên tình trạng buộc phải cắt giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động diễn ra tại một số DN dệt may trên địa bàn tỉnh cũng từ thời điểm quý 3, 4/2022. Và ở một diễn tiến khác, giải pháp tình thế này dẫn đến việc từ đầu năm 2023, một số DN phải gấp rút đăng tuyển lao động, hoặc phải chia đơn hàng cho các DN khác do không đủ công nhân.

Nhưng trong bức tranh màu xám này, dệt may Thừa Thiên Huế vẫn có một vài điểm sáng.

Ông Nguyễn Tiến Hậu - Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế thông tin, cũng như các doanh nghiệp khác trên toàn quốc nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, quý 3 & 4/2022, công ty cũng chịu ảnh hưởng khi thị trường dệt may lao dốc, đơn hàng giảm mạnh. Trong đó, nặng nhất là sợi khi thị trường gần như không có thanh khoản và hiện chưa tìm được cách ứng phó. Thời điểm tháng 6/2022, mỗi kg nguyên phụ liệu mua vào khoảng 3,5 USD, thì nay, mỗi kg nguyên phụ liệu giảm còn 2 - 2,1 USD. Tức là chưa sản xuất, sợi đã lỗ trên 1 USD/kg, ông Hậu cho hay.

Cũng theo ông Hậu, nếu như một số DN không có đơn hàng buộc phải phải cắt giảm lao động, nhờ quý 1&2 doanh thu tốt, đơn hàng quý 2 "gác" sang quý 3 nên thời điểm đó, Công ty CP Dệt may Huế vẫn đảm bảo việc làm, thậm chí còn chia sẻ đơn hàng cho một số DN ở Hà Nội. Và ngoài đảm bảo lương, phúc lợi cho gần 5 ngàn lao động, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, mỗi lao động của công ty đều nhận 3 suất quà tổng trị giá từ 800 – 1 triệu đồng cùng thưởng tết 2 tháng lương, cao hơn năm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 1 tháng lương.

Bước sang năm 2023, tuy sắc diện thị trường dệt may khá ảm đạm, nhưng nhờ có những phương án ứng phó linh hoạt, Công ty CP Dệt may Huế vẫn đủ đơn hàng cho đến hết quý 1 và tỷ lệ đơn hàng FOB chiếm tới hơn 50%. Ngoài ra, DN cũng đang đàm phán để nhận thêm đơn hàng từ Công ty H. do những tháng cuối năm 2022, công ty này cắt giảm lao động, dẫn đến không đủ nhân lực thực hiện, ông Hậu thông tin thêm.

Qua trao đổi, nhiều DN dệt may lớn trên địa bàn tỉnh cho rằng, quý 2/2023, sắc diện thị trường dệt may Việt Nam nói chung, Huế nói riêng nhiều khả năng vẫn như quý 1, tức là chưa thể khởi sắc trở lại.

Đồng quan điểm với nhận định trên, ông Nguyễn Tiến Hậu cho biết, dự báo những khó khăn của quý 1 tiếp tục lan sang quý 2, tuy nhiên, công ty vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, cũng như không để xảy ra tình trạng, cắt giảm, sa thải lao động – điều mà công ty đã thực hiện từ trước đến nay.

Xác định năm 2023 là năm phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng đan xen với đó là thời cơ, công ty phấn đấu nâng tổng doanh thu lên hơn 2.060 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hơn 130 triệu USD. Cũng trong năm 2023, công ty đầu tư thêm nhà máy may 3 tầng với quy mô 40 chuyền may với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng, điều này giúp tạo thêm việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế Thừa Thiên Huế phát triển, ông Hậu chia sẻ.

Một DN dệt may lớn khác trên địa bàn tỉnh là Công ty Scavi Huế. Tuy không cung cấp thông tin, số liệu cụ thể về tình hình, dự báo, doanh số… trong năm 2023 với lý do bí mật kinh doanh của DN, nhưng với động thái vừa đăng tuyển hơn 3 ngàn lao động trên facebook, cũng như thông cáo chung sẽ nỗ lực đảm bảo công việc cho mọi thành viên…, đã cho thấy, một số DN dệt may ở Huế vẫn tự tin và đang chuẩn bị để kịp bắt nhịp khi thị trường khởi sắc trở lại.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG