Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế tăng cường hợp tác với các đối tác để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế

PGS.TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho biết: “Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế thường xuyên tổ chức, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo theo các quy định hiện hành. Không chỉ thế, nhà trường còn đa dạng hóa hoạt động đào tạo, từ đó trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghề nghiệp cũng như hoàn thiện kỹ năng mềm, gia tăng năng lực thực hành để sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội”.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế đang đào tạo 21 ngành, bao gồm 18 ngành đào tạo ĐH và 3 ngành đào tạo chất lượng cao gồm Quản trị kinh doanh, Kinh tế chuyên ngành Kế hoạch - Đầu tư và Kiểm toán. Được xây dựng và phát triển dựa trên chương trình đào tạo ngành tương ứng của các trường đại học tiên tiến nước ngoài và đội ngũ giảng viên có trình độ cao, chương trình chất lượng cao sẽ giúp sinh viên tiếp cận thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp và được giảng viên thỉnh giảng từ các đơn vị đó trực tiếp giảng dạy.

Theo đại diện nhà trường, với ngôn ngữ giảng dạy của chương trình này bao gồm tiếng Việt và hơn 30% các học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh, ngoài được học trao đổi (từ 1 học kỳ đến 1 năm), sinh viên học chương trình chất lượng cao còn có cơ hội thực tập ngắn hạn ở nước ngoài theo các chương trình trao đổi sinh viên giữa nhà trường và các đối tác.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế còn thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài nhằm mang lại cho sinh viên thêm nhiều cơ hội sở hữu bằng cấp quốc tế cũng như việc làm. Hiện tại, nhà trường đã triển khai Ngành Tài chính - Ngân hàng liên kết đồng cấp bằng với trường Đại học Rennes I, Cộng hòa Pháp. Đây là chương trình được xây dựng dựa trên sự kết hợp những yếu tố vượt trội của hai chương trình giáo dục Pháp – Việt Nam nhằm đào tạo những cử nhân ưu tú trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.

Ngôn ngữ giảng dạy bao gồm tiếng Việt và tiếng Pháp (sinh viên bắt đầu học một số học phần chuyên ngành bằng tiếng Pháp từ năm thứ ba), năm thứ 4 sinh viên sẽ được học tại Trường ĐH Rennes I – Cộng hòa Pháp khi đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức khoa học và tiếng Pháp theo quy định. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp hai bằng đại học chính quy của trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế và ĐH Rennes I – Cộng hòa Pháp.

Với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, theo kết quả khảo sát mới nhất do nhà trường thực hiện, 748/782 sinh viên được khảo sát đã phản hồi có việc làm ngay năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 96%. Đây là con số thể hiện rõ nhất tính hiệu quả trong việc đa dạng các chương trình đào tạo của nhà trường, từ đó đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội.

Năm 2023, Trường đại học Kinh tế, ĐH Huế dự kiến tuyển 2.490 chỉ tiêu với tổng cộng 27 ngành/chuyên ngành đào tạo. Với 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2023; xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thẳng theo quy định của trường. Đặc biệt, nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành Kinh tế số. Đây là ngành học mới, đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về dữ liệu lớn. Từ đó áp dụng các công nghệ số dẫn đầu xu thế thời đại số như AI, IoT, BigData, BlockChain, thực hiện chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài mục tiêu đào tạo các cử nhân Kinh tế số, trở thành nguồn “nhân lực số” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 26 ngành/chuyên ngành đào tạo khác cùng với Kinh tế số sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu xây dựng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kinh tế và quản lý đạt chuẩn quốc gia.

Mai Huế