Đường Bà Huyện Thanh Quan - một trong những tuyến đường được các chuyên gia cho rằng phù hợp để hình thành đường sách

Sau thất bại của đường sách Hai Bà Trưng, giới văn hóa, nghiên cứu, trí thức, những bạn trẻ sinh viên, du khách và người dân xứ Huế chưa bao giờ thôi hy vọng Huế sẽ có con đường sách mới. Con đường sách ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu của giới yêu sách, kích thích văn hóa đọc mà đó còn là điểm sinh hoạt cộng đồng, không gian ngoài trời của những cuộc giao lưu, gặp gỡ…

Gần một năm về trước, trong hành trình “Hội sách xuyên Việt” - khi đó đang dừng chân tại Huế, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý tưởng, hiến kế và đi thực địa để tìm đường sách cho Huế. Rất nhiều con đường đã được lên danh sách, rất nhiều ý kiến cũng được đưa ra để sao cho phù hợp và có tính hiện thực hóa cao nhất.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh) là người có mặt tại Huế khi đó khẳng định sẵn sàng giúp Huế xây dựng đường sách. Cùng thời điểm này, ông Hoàng cũng cho biết đang hỗ trợ TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) thiết kế đường sách để sớm đưa vào hoạt động.

Thời điểm đi khảo sát ở Huế, ông Hoàng nhận định đây là đô thị đẹp, có nhiều tuyến đường cơ bản đáp ứng được các tiêu chí để thực hiện đường sách, cũng như có không gian đi kèm để tổ chức các hoạt động văn hóa bên lề. Tuy nhiên, để chuyển đổi công năng của con đường đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng. Cùng chung nhận định, một số chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức đường sách cho rằng, chưa nói đến sách, con đường sách phải hài hòa quy hoạch tổng thể của cảnh quan, có đủ mảng xanh, đủ sức chuyển tải chức năng đường sách và có không gian đi kèm để tổ chức các hoạt động.

Hai tuyến đường mà ông Hoàng và nhóm tư vấn “ưng bụng” nhất đó là đường Bà Huyện Thanh Quan, đoạn kéo dài từ đường Trương Định ra tới bờ sông Hương và khu vực tuyến đường nằm dọc bên hông Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh. Cả hai tuyến đường này được nhận định có địa thế đẹp khi nằm ở khu vực trung tâm, kết nối được nhiều không gian văn hóa như bảo tàng, nhà trưng bày, du khách qua về nườm nượp.

Khi đó, lãnh đạo TP. Huế cho biết sẽ tạo điều kiện, ưu tiên trong việc hình thành đường sách và cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp xuất bản, đơn vị phát hành. Tất nhiên cũng có ý kiến cân nhắc khắc phục những điều chưa được ở đường sách Hai Bà Trưng đã thất bại trước đó, cũng như tạo ra nguồn tài chính để duy trì hoạt động.

Và cuối 2022 vừa rồi, trong khi đường sách ở TP. Cao Lãnh đã chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui của công chúng, ngược lại ở Huế câu chuyện đường sách vẫn chưa biết khi nào mới có thể hình thành. Nhiều trí thức, nhà văn hóa không khỏi lo ngại vì sự chần chừ này. Theo họ, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, cần phải lưu ý đến những không gian văn hóa, trong đó có không gian đường sách.

Đem băn khoăn của những người yêu sách, mong mỏi có con đường sách này đến với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế, lãnh đạo đơn vị này vẫn cho biết: “Hiện nay các bên đang tiếp tục nghiên cứu tìm địa điểm phù hợp”.

Vậy là con đường sách cho đô thị văn hóa, di sản khi nào sẽ được hình thành, và hình thành trên tuyến đường nào vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Và tất cả chỉ biết đợi chờ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH