Một địa điểm du lịch được đánh giá thân thiện là điều đáng lấy làm vui mừng.
Nhưng có lẽ nên hiểu, thân thiện chỉ là một yếu tố của sức hút du lịch chứ không phải là tất cả. Thân thiện, nhưng khách ít chọn là điều làm chúng ta băn khoăn.
Gia đình nhỏ thư giãn trên bến sông Hương (TP. Huế). Ảnh: NGUYỄN PHONG
Ví dụ năm 2021, Việt Nam lọt vào tốp 10 là điểm đến thân thiện đối với khách nước ngoài, nhưng so với một số nước trong khu vực thôi, Việt Nam là quốc gia đón ít khách. Năm 2022 vừa qua thì chúng ta đều biết, khi tổng kết cuối năm về ngành du lịch, nhiều tờ báo đã chạy tít “Du lịch Việt Nam đi trước về… sau” - ý nói, chúng ta mở cửa sớm hơn một số nước, nhưng lượng khách đón được không đạt kế hoạch đề ra.
Thế thì chúng ta phải hiểu làm sao?
Thân thiện chỉ là một khía cạnh. Bởi đã làm du lịch - một “món” phục vụ cho người đi chơi, tham quan thưởng ngoạn, cũng có thể nói là những người thích xê dịch, ham trải nghiệm, ham hiểu biết, nhìn thấy, cảm nhận những vùng đất mới, trải nghiệm, tìm hiểu về những đặc trưng văn hóa… của từng vùng đất, từng quốc gia và là người chi tiền, thì chúng ta không thân thiện cũng không thể làm du lịch được. Như vậy, có thể nói thân thiện là một thuộc tính của du lịch. Nhưng giả sử nếu có những người nào đó tỏ ra không thân thiện thì không sớm thì muộn cũng phải được điều chỉnh để trở nên thân thiện. Điều này có được là từ sự đòi hỏi điều chỉnh của khách, cũng như từ sự điều chỉnh của chính quyền sở tại. Thân thiện ở đây có lẽ là nhấn mạnh đến sự hiếu khách của người dân (cả người trực tiếp làm du lịch và không trực tiếp làm du lịch) và cảnh quan thiên nhiên đẹp, hiền hòa.
Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Vedana Resort. Ảnh: Trần Nhâm
Nếu nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh này, chúng ta thấy những danh hiệu như vậy không quá quan trọng. Ví dụ, là một địa chỉ du lịch nổi tiếng có trên bản đồ của du lịch thế giới và Việt Nam mà đem so sánh với một địa điểm không có thế mạnh này hay “mới nổi” thì có lẽ là khập khiễng!? Theo cách hiểu đó, nói lọt vào tốp 10 là mừng nhưng bình tâm nghĩ lại, như Việt Nam của chúng ta, có bao nhiêu vùng đất được nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới? Chắc cũng chừng con số ấy là cùng. Gì thì gì chứ đã bỏ tiền để đến du lịch một nước nào đó thì trước tiên phải nghĩ đến di sản cái đã. Rồi sau đó mới quan tâm đến đặc trưng văn hóa, đặc sắc vùng miền…
Thân thiện nhưng ít hấp dẫn với khách (chỉ nói ở khía cạnh số lượng) có lẽ nằm ở sức cạnh tranh. Anh thân thiện nhưng người khác cũng thân thiện như anh và có sản phẩm du lịch, cách làm du lịch hấp dẫn hơn anh. Ví dụ vậy, thì điều này không đồng nghĩa là anh kém thân thiện đi nhưng sức hấp dẫn với khách rõ ràng ít lợi thế hơn. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch luôn luôn kêu về rào cản visa nhưng chưa cải thiện được. Thường điều này được đem ra so sánh với sự “cởi mở” về visa với Thái Lan, Singapore. Ở Huế thì có nhiều người, ngay những người làm trong ngành du lịch cho rằng, những sản phẩm du lịch bổ trợ còn thiếu sức hấp dẫn.
Nếu “chặc" lưỡi thì chúng ta ừ thôi, có cái gì quý cái đó đã. Nhưng suy đi nghĩ lại không nên quá vội vui mừng về những điều như vậy. Để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn không thể ngày một ngày hai là có được mà phải là một quá trình, có khi là rất dài, thậm chí cả hàng trăm năm như hệ thống di sản. Chúng ta tìm cách khai thác nó sao cho hiệu quả nhất cũng là điều đáng suy nghĩ. Vừa thân thiện rồi, nhưng phải đảm bảo tính cạnh tranh mới là quan trọng.
Nguyên Lê