Nguồn vốn tín dụng chính sách đã “tiếp sức” cho chị Tuyết trong phát triển kinh tế
Khơi dậy nội lực trong dân
Trước đây, chị Trương Thị Ánh Tuyết, tổ 8, phường Thủy Phương là 1 hộ có kinh tế khó khăn, do không có công việc làm ổn định. Cách đây 6 năm, được sự tư vấn của người thân, chị mày mò tìm hiểu về công thức làm tinh bột nghệ. Mới đầu, chị thử làm bằng máy xay sinh tố, tỉ mỉ gọt, rửa, rồi băm nhỏ củ nghệ, cho vào xay. Sau một vài lần thử nghiệm, mẻ tinh bột nghệ đầu tiên cũng thành công.
Sản phẩm làm ra ban đầu chị nhờ bạn bè dùng thử và nhận được phản hồi tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian bén duyên với nghề, chị nhận ra nếu chỉ làm thủ công sẽ rất khó để phát triển thương hiệu. Thế nên, chị nghĩ đến việc vay vốn đầu tư máy móc mở rộng quy mô sản xuất.
Được sự tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã. Cùng với nguồn vốn tích cóp được, chị đầu tư đầu tư máy móc, thiết bị chế biến tinh bột nghệ vừa giảm sức lao động vừa tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ có vốn đầu tư máy móc, cơ sở sản xuất chế biến tinh bột nghệ của gia đình được mở rộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình với thu nhập ổn định hơn 250 triệu đồng/năm.
“Mình đang dự định tiếp tục vay vốn đầu tư thêm máy móc sản xuất các loại bột ngũ cốc, mứt gừng, tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm”, chị Tuyết chia sẻ.
Cũng như chị Tuyết, nhiều hội viên phụ nữ đã có thêm nguồn lực phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn ủy thác cho vay qua kênh Hội Liên hiệp Phụ nữ phường.
Bà Văn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thủy Phương chia sẻ, nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn rất lớn, nhưng với số tiền mỗi hộ không quá nhiều. Đôi khi, người dân chỉ cần 20 đến 50 triệu đồng là đủ để đầu tư phát triển sản xuất. Vì thế, việc tiếp cận được vốn tín dụng chính sách được xem là giải pháp tối ưu cho người dân.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác
Với phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên... nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến gần hơn với các đối tượng. Thông qua đó cũng tạo điều kiện cho các hội lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao uy tín của các Hội đoàn thể.
Được biết, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thị xã Hương Thủy là 363 tỷ đồng, với 7.518 khách hàng đang vay vốn. Thông qua việc ủy thác cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các thôn, tổ dân phố tại các xã, phường trên địa bàn thị xã, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi.
Ông Châu Đình Ngữ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy chia sẻ, việc ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Trong thời gian tới, Phòng giao dịch sẽ thực hiện tốt hơn công tác phối hợp, lồng ghép với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật, khoa học - công nghệ cũng như giám sát quá trình thực hiện các nội dung được ủy thác góp phần hỗ trợ người dân, nhất là các đối tượng chính sách phát triển kinh tế.
Tính đến cuối năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người tại Hương Thủy từ 15,5 triệu đồng/người năm 2002 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 3 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,7% năm 2002 xuống còn 1,89% cuối năm 2021, đời sống của Nhân dân, nhất là hộ nghèo ngày càng được cải thiện.
Bài, ảnh: TÌNH - ANH