Khen ngợi, động viên và tôn trọng người khác thì bạn sẽ nhận lại được những giá trị tương tự. Ảnh: tamly.com.vn

Cực hình ở trường học

Một buổi chiều đón con, chị N.T.M (TP. Huế) vừa đỗ xe ở cổng trường tiểu học thì bé N.M.C, con gái chị chạy ra ôm mẹ, khóc nức nở. Sau một hồi gặng hỏi lý do, bé N.M.C nói: “Các bạn chê con là béo như heo, con mập thù lù. Con càng chạy các bạn càng đuổi theo chê con”.

Theo lời chị N.T.M, đây không phải lần đầu con gái bị chê bai. Tuy con chị có phản ứng lại bằng cách nói rằng việc chê người khác là sai, là xấu tính thì lần sau, những  hành động chê bai bé của các bạn cùng lớp vẫn tiếp diễn. Bé N.M.C kể, những bạn này thường lợi dụng khi giáo viên không ở trong lớp hoặc giờ ra chơi để trêu chọc em.

Chính vì những lời lẽ chê bai của các bạn, dần dần, bé N.M.C trở nên buồn bã, khép mình hơn. Dù hát khá hay và thích tham gia các chương trình văn nghệ của trường, lớp nhưng em không dám đăng ký đi múa, hát vì “con sợ con tham gia sẽ làm xấu đội hình”. Có lần, em còn bảo với mẹ không muốn đến trường vì sợ bạn trêu.

Nhiều bạn học sinh hiện nay cũng có cùng nỗi niềm tương tự bé N.M.C. P.P.H (phường Hương Long) chia sẻ, những năm tháng học THCS và lớp 10 đối với em là quãng thời gian đau lòng mà em không bao giờ muốn nhắc tới. P.P.H thường bị một số bạn trong lớp mang ra làm “trò cười” với những câu nói thẳng mặt và sau lưng: “Răng nó sao cứ chìa ra thế nhỉ?”, “Bộ nhá xấu thế”, “Mày giống bố hay mẹ mà răng “vời” ra thế?”, thậm chí em còn bị gắn với biệt danh “H vổ” một thời gian dài.

Chị N.T.H, mẹ của H không giấu nổi những giọt nước mặt khi chia sẻ về câu chuyện của con: “Một số lần cháu kể với mẹ việc bị bạn chê nhưng tôi không quan tâm lắm, chỉ nói rằng, có thể do các bạn trêu đùa chút thôi mà không nghĩ đến cảm nhận, tổn thương của cháu. Có thời gian, ngày nào đi học về cháu cũng buồn bã, nhốt mình trong phòng, ít trò chuyện với thầy cô, bạn bè và cả bố mẹ. Lực học của cháu cũng giảm sút nghiêm trọng”. Đến khi đọc báo, xem ti vi về vấn nạn miệt thị ngoại hình, chị H mới tá hỏa về những gì con phải trải qua trong một thời gian dài. Chị động viên cháu nhiều hơn, cũng nhờ cô giáo can thiệp, những người bạn tốt của con gần gũi, chia sẻ để con lấy lại tinh thần.

Những trường hợp trên là điển hình của hành vi miệt thị ngoại hình hiện đang là vấn nạn nhức nhối ở giới trẻ. Hành vi này thường được hiểu là việc một cá nhân sử dụng ngôn ngữ, hành vi để chê bai hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình của người khác. Điều này khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương tâm lý. Ngoài ra, miệt thị ngoại hình cũng bao gồm hành vi tự miệt thị ngoại hình bản thân, tức là bản thân cảm thấy tự ti với ngoại hình của chính mình.

Đối tượng thường bị miệt thị ngoại hình là những người không “chuẩn” theo cách nhìn của riêng cá nhân ai đó, như: người thừa cân hay thiếu cân, người khuyết tật, người đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ và thậm chí là những người thuộc cộng đồng LGBT. Hình thức miệt thị ngoại hình biểu hiện trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ, hành động như đánh đập, bạo lực học đường đối với học sinh, sinh viên và gián tiếp thông qua truyền thông và MXH.

Nguy cơ từ những lời đùa... vô duyên

Theo ThS. Nguyễn Thị Anh Đào, Phó khoa Xã hội học, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế, nhiều người có hành vi body shaming nghĩ hành động của họ là bình thường, mục đích của họ chỉ trêu đùa và không cố ý. Tuy nhiên, những lời nói ấy lại làm tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần người khác.

“Body shaming có thể vô tình hoặc hữu ý làm tổn thương người khác hoặc tự mình làm tổn thương chính mình. Những tổn thương có thể được biểu hiện ở những cảm xúc âm tính, nếu kéo dài có thể trở thành những cảm xúc tiêu cực, nó cũng có thể làm xáo trộn đời sống, ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, thói quen sinh hoạt, học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh sự vô tình, trong một số trường hợp người thực hiện hành vi body shaming còn cố ý gây ra điều đó với mục đích làm đối phương suy sụp về tinh thần”, ThS. Anh Đào chia sẻ

Cô cũng nhận định, nếu chỉ dừng lại mức độ thấp thì có người cảm thấy chán ghét, không hài lòng với ngoại hình của mình, còn nếu ở mức độ nghiêm trọng thì có thể dẫn đến hiện tượng mặc cảm ngoại hình. Điều này dẫn tới suy sụp tinh thần, tự ti, thậm chí nghĩ đến cái chết. Có những người tìm đến ăn kiêng hoặc tìm đến phương pháp làm đẹp phản khoa học,…

“Để vượt qua nỗi sợ hãi khi bị body shaming, các bạn trẻ nên học cách chấp nhận, hài lòng với bản thân mình, đồng thời, học cách yêu thương bản thân, đặt ra những mục tiêu và nỗ lực hoàn thành để nâng cao giá trị của chính mình. Bên cạnh đó, gia đình và bạn bè cũng nên là điểm tựa, là nơi để các em chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống”, ThS. Anh Đào nói.

ĐĂNG TRÌNH