Lãnh đạo các nước ASEAN họp bàn về kế hoạch gia nhập vào khối của Timor Leste. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Những tuần gần đây, Timor Leste đã bắt đầu đạt được những bước tiến trong ngoại giao nhằm thiết lập sự hiện diện vững chắc hơn trong tổ chức hàng đầu của Đông Nam Á là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có thể kể đến như lần đầu tiên trong lịch sử tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) với tư cách là quan sát viên, cho đến cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Timor Leste Matan Ruak với Tổng thống Indonesia Joko Widodo diễn ra gần đây.

Trong cuộc gặp song phương, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tái khẳng định cam kết của Indonesia trong việc hợp tác với Timor Leste. Ông Joko Widodo cho biết, lộ trình để Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN đang được thực hiện, đồng thời lưu ý rằng ông rất vui về việc quốc gia này về nguyên tắc đã gia nhập khối ASEAN.

Các chuyên gia nhận định: “Hỗ trợ Timor Leste tham gia vào khối có thể giúp Indonesia chứng minh rằng đây là một quốc gia trưởng thành, một quốc gia có thể có mối quan hệ tốt đẹp với đất nước mà trước đây hai bên có xung đột”.

Sự gia nhập của Timor Leste vào khối ASEAN sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc cân bằng cấu trúc của hiệp hội, đặc biệt là trong việc ủng hộ những ý tưởng tiến bộ hơn.

Được biết, kể từ khi giành được độc lập vào năm 1999, Timor Leste đã phát triển thành một trong những nền dân chủ tiến bộ hơn ở Đông Nam Á. Bất chấp lịch sử khó khăn, Indonesia và Timor Leste đã chấp nhận nền dân chủ và thúc đẩy hợp tác láng giềng.

Thế giới hiện đang thay đổi. Thời kỳ tương đối hòa bình sau Chiến tranh Lạnh đã qua. Hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần Indonesia tiếp tục giữ vững niềm tin vào luật pháp quốc tế và thúc đẩy đối thoại giữa các nhóm và các quốc gia.

Đối với những người mới, nghĩa vụ thành viên bao gồm cam kết tham dự và tổ chức các cuộc họp, hội nghị, bên cạnh phí “đóng góp bình đẳng” hằng năm cho ngân sách của khối. Trong vấn đề này, Indonesia có thể cố gắng điều chỉnh hệ thống quản lý của ASEAN sao cho phí đóng góp hàng năm sẽ dựa trên GDP của mỗi quốc gia, thay vì đóng góp một số tiền được tiêu chuẩn hóa. Bằng không, đây sẽ là một vấn đề tương đối nghiêm trọng.

Các nhà phân tích cho biết, các tiêu chuẩn của ASEAN hiện tại coi nền kinh tế nhỏ nhất của khối là yếu tố cân nhắc lớn nhất trong việc thiết lập phí “đóng góp bình đẳng” và nếu Timor Leste trở thành tiêu chuẩn đó, ASEAN không còn lựa chọn nào khác ngoài đồng ý mức đóng góp có thể eo hẹp hơn trong tương lai.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào năm 2022, GDP của Timor Leste vào khoảng 2,45 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều so với 16 triệu USD của Lào, quốc gia có thu nhập thấp nhất ASEAN trong cùng năm, bất chấp các nhà phân tích cũng đã chỉ ra sự khác biệt lớn về kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN hiện tại.

Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)