Sang tháng giêng là tiết lập xuân, ngày đông chuyển mình trút mưa bụi, khí trời nồm ẩm như đang dùng dằng, hờn dỗi điều chi. Những ngày mưa lây rây, cái lạnh như trườn qua hơi nước mà buôn buốt thịt da. Màu trời trắng xám như khói như sương, cất áo mưa vào cốp xe rồi hăng hái chạy đến cơ quan. Nhưng kìa, đi được một quãng đã thấy những dấu chấm li ti nhỏ như đầu kim làm nhòe nhoẹt cặp kính mắt, chợt nhận ra làn mưa bụi mỏng tanh cũng thật tinh nghịch và biết trêu đùa làm sao. Đi giữa phố phường đông đúc trong màn mưa rây rắc, vừa có chút gì phiền toái, lại vừa hứng khởi lạ lùng.

Bận bịu cấy hái, quanh quẩn sớm hôm với khu vườn đang lóc ngóc những mầm xanh, mẹ tôi vui ra mặt. Bà gọi đấy là mưa xuân. Tuy nhà cửa có nhớp nháp một tí, nhưng kiểu mưa này quý lắm, nó làm cho cây cối, hoa màu rỡ ràng từng ngày. Chả thế mà có nhiều loại cây mang dáng vẻ khô khốc ngủ vùi trong đông giá, chỉ cần thấy mưa bụi chạm xuống là bật dậy, bung chồi non biêng biếc.

Mưa bụi âm thầm rải nhẹ xuống từng con đường, ngõ phố, ruộng đồng, cho những hạt giống tách vỏ, nảy mầm, vươn khỏi đất nâu mà nở ra nhánh lá. Ngày mưa kéo dài cả tuần liền, xóm làng ẩn mình trong khung cảnh có phần trầm mặc, hư ảo. Chẳng còn cái không khí rộn rã chuẩn bị tết, vui tết, trong tiết mưa bụi giêng hai, căn bếp đỏ lửa vừa như một sự yêu chiều vỗ về, vừa như thinh lặng. Nhìn căn bếp nguội, bất giác thấy lòng chênh chao, hoang hoải quá. Có phải vì sợ cảm giác ấy, nên mẹ luôn nghĩ và tìm việc làm để nổi lửa và giữ lửa. Những ngày này, sau khi cấy xong lại nhàn rỗi, mẹ thường làm rất nhiều thức quà vặt. Nào ráo bột gói bánh tẻ, rồi nấu chè khoai, làm bánh mật… Bao năm, dẫu đã bước qua tuổi hoa niên, tôi vẫn cứ thấy mình như trẻ nhỏ khi luôn háo hức trông chờ khoảng thời gian rảnh rỗi được về nhà, chạy ùa vào bếp và ngấu nghiến những món quê mang hương vị là sự ấm áp, chiều chuộng từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ.

Tôi nhớ siết bao cái ngày học cấp 2 trường làng, mỗi khi thấy mưa bụi, bọn trẻ chúng tôi náo nức rủ nhau đi học, vật dụng che mưa là chiếc nón làm bằng… lá chuối. Những tàu lá được bẻ gập, ghim kẹp như hình chiếc phễu. Cũng có khi ba, bốn đứa đi dàn hàng ngang hoặc hàng trước hàng sau, chung nhau một tấm áo mưa mỏng, túm tụm vừa đi vừa nhai ngô rang giòn rụm và nghêu ngao hát.

Ngày tháng giêng trên đồng, những bữa cơm dã chiến mang thật nhiều dư vị. Một vài chiếc bao soọc rắn được trải xuống nền đất trên bờ ruộng, bố đóng cọc bốn góc rồi căng tấm áo mưa rộng ngang trên, cả nhà ngồi dưới “ngôi nhà ô vuông” tạm bợ ấy thưởng thức bữa cơm trưa mà đồ ăn chủ yếu là từ tết còn dôi lại. Nào bánh chưng rán, cá kho rục xương, giò hoa sốt cà chua, canh su hào nấu mộc bỏ nhiều rau mùi… Trên các bờ ruộng gần xa, có biết bao những ô vuông “nhà nilon” như thế, tiếng nói cười va vào nhau vui vẻ, rộn vang. Có khi mọi người tìm đến “nhà” nhau, sẻ san bát cơm miếng bánh, hay thong thả uống cốc nước chè tươi, hỉ hả chuyện giống má, cày bừa… 

Mưa bụi được ví như một thứ “đặc sản” của tiết đông - xuân, có nhiều người mong mà cũng lắm người ghét nó. Sinh ra và lớn lên từ làng, hiểu được ý nghĩa của những hạt mưa mỏng tang với đồng ruộng nương bãi, tôi đón nhận quãng ngày ẩm ướt khó chịu ấy một cách cởi mở hơn. Bởi tôi biết rằng, sau chuỗi ngày ủ dột, bầu trời ngày giêng hai sẽ trở nên thật dịu nhẹ trong cái nắng trong vắt như thủy tinh và cái gió hiu hiu ấp ôm, rạo rực. Mưa bụi như thì thầm gọi những mầm non cựa mình, mưa như đặc ân của đất trời cho ngô lúa nở đất xanh um, cho bao loài cây đơm hoa kết trái.

Giữa độ giêng thì, ngày bình yên trôi đi trong làn mưa nhẹ buông. Bâng khuâng nhớ hạt mưa xuân quyến luyến, nhớ ánh mắt thao thiết yêu thương chờ đón của cha mẹ chốn quê nhà!

Mai Đình