Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Thông tin tại hội nghị cho thấy, giải ngân năm 2022 (tính đến hết tháng 1/2023) là trên 541 nghìn tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch(KH). Đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.
Các đại biểu đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt, sát sao, hiệu quả.
Mặc dù vậy, báo cáo và ý kiến phát biểu cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2022 đạt 93,42% kế hoạch, cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch).
Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả và các chính sách khác để tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại Thừa Thiên Huế, giải ngân đầu tư công năm 2022 (tính đến ngày 31/1/2023) là 4.513,915 tỷ đồng/6.067,368 tỷ đồng, đạt 74,4% KH.
Liên quan đến các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Tỉnh cũng tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém trong quản lý đầu tư công.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư đề xuất nhu cầu điều chuyển vốn; trường hợp không có nhu cầu điều chuyển thì phải có cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nhiều biến động. Việc huy động vốn khó khăn cùng với lãi suất ngân hàng cao, các nhà thầu địa phương không đủ năng lực cạnh tranh và đảm bảo tiến độ thi công các gói thầu lớn tạo ra các trở lực.
Đôn đốc tiến độ các dự án trọng diểm sẽ góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Hiện, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 5.758,257 tỷ đồng. Đến ngày 31/1/2023 đã giải ngân là 446,244 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 7,5% kế hoạch.
Theo UBND tỉnh, kế hoạch đầu tư công năm 2023 tập trung bố trí để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có tính kết nối và lan tỏa, đặc biệt góp phần thực hiện mục tiêu sớm xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2023 cũng là năm thứ hai tỉnh thực hiện phân cấp nguồn vốn cho các địa phương cấp huyện theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 26/4/2021 của HĐND tỉnh.
Phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đảm bảo theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên nhất định. Trong đó ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023 để phát huy hiệu quả đầu tư; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự án chuyển tiếp được thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; trong đó phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị được triển khai với tinh thần tích cực, khẩn trương, các phát biểu rất trách nhiệm, sát thực tế, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả trong năm 2023; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện, trình Thủ tướng để sớm ban hành chỉ thị về công tác này.
LÊ THỌ