Điển hình là vụ án “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” do TAND TP. Huế thụ lý, giải quyết. Trước đó, trong một vụ án dân sự khác, bị đơn trong vụ án nêu trên bị tòa án tuyên buộc trả nợ cho nguyên đơn số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa án ban hành bản án sơ thẩm thì bị đơn cùng chồng đã có hành vi lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng 2 thửa đất cho 2 người con ruột tại 2 văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Huế. Tiếp theo 2 người con này lập hợp đồng công chứng tặng cho bà ngoại mình (tức mẹ ruột của bị đơn) những tài sản nêu trên tại văn phòng công chứng.
Do thấy việc lập các hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nói trên là giả tạo nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản của bị đơn đối với mình nên bà H. đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa án tuyên bố các hợp đồng tặng cho trên vô hiệu.
Các văn phòng công chứng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho rằng: Có thực hiện công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bên tặng cho quyền sử dụng đất và bên được tặng cho, đã vào sổ công chứng. Tại thời điển công chứng, người yêu cầu công chứng đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ, tài liệu theo đúng quy định. Việc công chứng đã được văn phòng công chứng thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật. Nay nguyên đơn khởi kiện, thì đề nghị tòa án giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Căn cứ những chứng cứ đã thu thập, xác minh có trong hồ sơ vụ án, căn cứ các quy định của pháp luật, TAND TP. Huế nhận định các hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bị đơn với con ruột mình và sau đó giữa 2 người con với bà ngoại mình có yếu tố gian dối, tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn.
Đồng thời, các hợp đồng tặng cho đều được thực hiện sau khi có bản án dân sự sơ thẩm là vi phạm khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”. Do đó, TAND. TP Huế đã tuyên bố các hợp đồng tặng cho nêu trên vô hiệu toàn bộ. Bản án sơ thẩm bị bị đơn kháng cáo; TAND tỉnh xét xử phúc thẩm, đã tuyên bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trước đó, TAND TP. Huế cũng đã thụ lý, xét xử vụ án “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Theo đó, bà V. là nguyên đơn trình bày, tại các bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế và phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử, đã xử phạt bà S. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, buộc bà S. phải trả cho bà V. số tiền hơn 4 tỷ đồng. Về xử lý vật chứng: Tiếp tục kê biên tài sản là nhà, đất và các tài sản khác gắn liền với đất tại phường An Đông, TP. Huế.
Sau khi bản án phúc thẩm và sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kê biên tài sản và giải quyết việc thi hành án về phần dân sự cho những người bị hại. Cục THADS hướng dẫn cho bà V. có quyền yêu cầu TAND có thẩm quyền, giải quyết tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tọa lạc tại phường An Đông (của vợ chồng bà S.) được Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên Huế công chứng là vô hiệu; yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của bà S. là người phải thi hành án trong khối tài sản chung, để thi hành án theo quy định.
Vì vậy, bà V. đã gửi đơn khởi kiện đến tòa án với các yêu cầu như nêu trên. Căn cứ các quy định của pháp luật, tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (bà V); tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bà S., với người nhận chuyển nhượng, đã được công chứng, chứng thực tại Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, là vô hiệu do giả tạo.
Qua những vụ án nêu trên, thấy rằng trốn tránh trách nhiệm trả nợ bằng hình thức tẩu tán tài sản, là vấn đề nổi cộm. Những bản án chính xác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Quỳnh Anh