Nạn karaoke di động vẫn dai dẳng (ảnh minh họa). Ảnh: MC
Nếu như ngày thường, vấn nạn này xuất hiện đã nhiều thì khi xuân về tết đến, karaoke di động, karaoke loa kéo lại trở nên kinh hoàng hơn. Hát, hát và hát… bất kể nó ảnh hưởng ai.
Dở khóc, dở cười theo karaoke di động
Một ngày giữa trưa đầu xuân năm Quý Mão, một nhóm thanh niên sống trên đường Ngự Bình (TP. Huế) sau khi nhậu “đủ hứng” bật karaoke, với màn hình, âm thanh cực lớn để “trình diễn”; vừa ăn, vừa cụng ly, vừa chọn bài để hát.
Hát ca khúc này đến ca khúc khác, mọi người thay nhau hát, không khí trở nên náo nhiệt. Hết “đắp mộ cuộc tình”, đến “gánh mẹ”, “lên mái nhà bắt con gà”… lần lượt những “giai điệu quen thuộc” trong giới karaoke di động được các “giọng ca” cất lên từ lúc cuộc nhậu bắt đầu cho đến khi ngà ngà say… Thi thoảng, giữa những khoảng hát đó là những cú hét khiến nhiều người ở nhà cạnh bên giật mình.
Cuộc hát ấy diễn ra xuyên trưa, khiến nhiều gia đình không thể nghỉ trưa dù đã kéo kín cửa, thả hết rèm để hạn chế tối đa sự ồn ào của âm thanh từ nơi có loa di động. “Người lớn cần giờ nghỉ trưa để đi làm lại cũng không thể, trẻ nhỏ thì không ngủ được vì âm thanh quá lớn. Càng trưa họ càng hát, càng hát thì càng to, sai tông lạc nhịp… quá khủng khiếp”, chị A. một người dân sống gần đó lắc đầu ngao ngán.
“Mình còn trẻ mà không chịu đựng được huống chi mấy người lớn, sức yếu cần nghỉ ngơi. Mỗi lần thấy loa kéo là mình bỏ đi, riêng mỗi khi gần nhà có hát thì đóng kín cửa, bí quá thì đeo tai phone hoặc bỏ đi ra đâu đó vài giờ”, anh Nguyễn Thiện (TP. Huế) "ớn lạnh" khi nhắc đến karaoke di động.
Anh kể, từng mấy lần giật mình khi nghe tiếng hát của những “trận địa karaoke di động” từ hàng quán cho đến những bữa tiệc của hàng xóm. Sợ hơn khi những chiếc loa ấy thường xuất hiện vào những giờ hoàng đạo, vào buổi nghỉ trưa hoặc đêm tối. Người hát có hơi men, khi ngà say thì hát bất chấp, càng hát càng muốn tăng âm lượng loa và không hề đoái hoài gì người xung quanh. “Bị tra tấn hoài mình cũng có ý kiến, nhưng rồi người ta vẫn kiểu “nhà tôi tôi hát”- anh Thiện nói.
Tương tự, ông P. K (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) cũng đối diện vấn nạn này từ nhiều năm qua khi một nhà hàng xóm hát từ ngày này qua ngày nọ, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân cạnh bên. “Tôi phản ánh lên xã, huyện và HueS. Sau đó các cơ quan chức năng về kiểm tra và yêu cầu nhà đó không được làm ảnh hưởng hàng xóm. Nhưng rồi đâu cũng lại vào đó, họ hát bất chấp”, ông K. bức xúc.
Có quy định xử phạt nhưng không có phương tiện để đo độ ồn
Theo đại diện Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, karaoke di động liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn và việc xử lý này thuộc về thẩm quyền ngành tài nguyên môi trường. “Dù có thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực mình quản lý, nhưng ngành lại không được trang bị đo độ ồn”, đại diện Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao nói.
Việc xử lý dựa theo Nghị định 45/2022. Cụ thể, điều 22 Nghị định này quy định cá nhân và tổ chức có hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, tùy theo mức độ sẽ đối mặt với mức phạt khác nhau. Nhẹ nhất là phạt cảnh cáo đối với trường hợp tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 02dB, các trường hợp vượt quy chuẩn nhiều hơn sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền, nhẹ nhất 1 triệu đồng, nặng nhất 160 triệu đồng. Đồng thời còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cơ sở gây ô nhiễm từ 3 - 12 tháng.
Cũng theo vị này, trước đó đã làm việc với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và kiến nghị về việc quy định cụ thể để quản lý hiệu quả không riêng gì karaoke di động mà các loại hình bar club, pub beer… ; tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, lâu nay đơn vị không xử phạt trường hợp liên quan đến karaoke di động gây ra. Theo ông Đáng, ngành cũng không có phương tiện đo tiếng ồn, nếu muốn đo hay xử lý phải thuê đơn vị tư vấn.
Ngoài ra, quá trình đo không được cộng hưởng tiếng ồn, nghĩa là muốn đo thì phải nhờ các cơ quan chức năng khác cho tạm dừng các hoạt động liên quan mới có thể đo một cách chính xác. “Phạt được với điều kiện đo được tiếng ồn vượt quá quy chuẩn, nhưng để chứng minh được thì phải có nhiều động thái”, ông Đáng nói về khó khăn trong khâu xử lý. Vì thế, theo ông Đáng, đến thời điểm này việc xử lý vấn nạn này chủ yếu là ở khâu nhắc nhở, tuyên truyền, vận động từ các cơ quan địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, việc xử lý tiếng ồn như karaoke di động đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc về địa phương (huyện, thành phố). Riêng về thiết bị đo tiếng ồn, vị này cho biết sẽ tìm hiểu, làm việc với đơn vị liên quan rồi có phản hồi sau.
Thường xuyên kiểm tra, phối hợp xử lý “Hát karaoke “kẹo kéo” gây ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn nhức nhối lâu nay. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP. Huế, thời gian qua, Ban Chỉ huy Công an TP. Huế đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an các phường, xã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại vừa tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả các trường hợp gây “ô nhiễm” tiếng ồn do hát karaoke “kẹo kéo” được người dân báo, phản ánh đều được lực lượng công an sở tại, nhất là cảnh sát khu vực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp xử lý. Tuy nhiên, tình trạng hát karaoke “kẹo kéo” trong người dân vẫn còn tồn tại, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường lực lượng bám cơ sở để kiểm tra, xử lý, giải quyết triệt để hơn vấn nạn này; vì sự yên bình cuộc sống của người dân”, Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế trao đổi. ANH PHONG (ghi) |
NHẬT MINH