Ông Nguyễn Rô (ngoài cùng) cùng xoay chuyển để đưa thuyền xuống biển, đánh bắt

Một nữ khách lần đầu đến Vinh Thanh với quỹ thời gian khá hạn hẹp, tỏ vẻ tiếc nuối khi khó có thể đặt chân đến bãi biển Vinh Thanh mà chị mới biết qua những bức ảnh đẹp và lời giới thiệu của bạn bè. Tôi thực sự bất ngờ khi ông Nguyễn Rô nói rằng sẵn sàng đích thân đưa khách đến bãi biển, bởi ông yêu, tự hào và muốn giới thiệu vẻ đẹp và con người yêu lao động của quê hương.

Trên bãi biển, những ngư dân đánh bắt bãi ngang vừa cập bờ đang gỡ lưới và ông Rô hồ hởi chào nhau cùng nụ cười chân chất gần gũi. Những lời hỏi han về vụ đánh bắt cũng như thế. Khi chiếc thuyền đang “neo” trên bãi cát, chuẩn bị đẩy xuống biển để bắt đầu chuyến đánh bắt mới, ông Rô lập tức ghé vai cùng các ngư dân “xoay chuyển” con thuyền. Dưới nắng nóng, mặt mũi ai nấy lấm tấm mồ hôi.

Tôi hiểu được vì sao người dân trên địa bàn lại tin mến và nghe theo mỗi khi người bí thư chi bộ thôn này tuyên truyền, vận động các chủ trương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua. Ông Nguyễn Rô nhớ lại, khi đó thôn 6 chỉ có 15% người dân được sử dụng nước sạch. Khi có chủ trương cho xây dựng hệ thống nước sạch, rất mừng, nhưng bà con lại “ngại” việc máy múc, máy cắt bê tông đào đường, cắt ngõ nhà mình.

“Ban đầu nhiều hộ không đồng ý. Nhưng tôi cùng tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận thôn và các đoàn thể giải thích rằng, nước sạch kéo về cho mình, mình hy sinh một chút, rồi hưởng lợi về lâu về dài. Một lần chưa “chịu” thì kiên nhẫn lần khác. Mình nói sao cho chân tình, vậy là mở lòng, bà con đồng ý. Bây giờ 98% người dân trong thôn được sử dụng nước sạch” - ông Rô chia sẻ.

Hiểu được những điều ông Rô làm là vì trách nhiệm của một bí thư chi bộ thôn, cũng vì tình yêu đối với quê hương Vinh Thanh, vì cái lợi lâu dài của người dân trên địa bàn, nên bà con đã đồng thuận chung lòng, chung sức. Người dân tự nguyện đóng góp mua dây điện, bóng điện, thắp sáng khắp mọi ngõ ngách trong thôn mỗi lúc đêm về, để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời phòng ngừa các tệ nạn, vi phạm pháp luật; mỗi hộ cũng tự nguyện đóng góp mỗi năm 200- 300 nghìn để chi trả tiền điện thắp sáng đường làng ngõ xóm.

Những con đường bê tông “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” cũng được bà con hưởng ứng, đồng lòng cao. Đường đi qua hộ nào, hộ đó sẵn sàng hiến đất, tự chặt hạ cây cối hoặc di dời bờ rào. Gần đây nhất, chính quyền có chủ trương bê tông con đường ngang trong thôn (với 100% kinh phí, bởi khu vực này hộ dân thưa thớt quá), với điều kiện người dân phải hiến đất và tự san ủi mặt bằng. Sau khi nghe tuyên truyền, vận động, các hộ dân đã hiến đất; gọi xe về múc đất của mình đề hoàn chỉnh mặt bằng. Sau khi đường ngang này được bê tông hóa rộng rãi, khang trang, vấn đề giao thông của người dân và xe vào vận chuyển rác thải rất thuận tiện.

Nhiều ngư dân trong thôn chia sẻ rằng, nghe theo vận động của bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn… linh hoạt chuyển đổi nghề đánh bắt từ lưới cá lạc (chỉ đánh bắt cá lạc trong 1 mùa) sang nghề lưới rê 3 màng, có thể đánh bắt quanh năm với nhiều loại hải sản, kinh tế gia đình họ phát triển, khá giả hơn. Bây giờ, nhiều tàu đánh bắt xa bờ thôn 6 xã Vinh Thanh có 2 nghề đánh bắt; khai thác biển có hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh