Đăng ký làm việc tại sàn giao dịch việc làm

Tất bật xoay xở

Có thâm niên trong nghề may mặc gần 20 năm, chị Nguyễn Hồng Ngọc ở phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) sức khỏe giảm sút, có công đoạn phải đứng máy nhiều chị cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, không đáp ứng được nên chị xin nghỉ việc để tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, chị đã chạy vạy tìm việc ở nhiều nơi vẫn không tìm được việc làm. Gánh nặng kinh tế gia đình đều trông chờ vào người phụ nữ này khi chồng bị bệnh, các con đang tuổi ăn, tuổi học.

“Ở tuổi 40 đi xin việc rất khó, nhiều công ty từ chối khi tôi quá tuổi so với quy định tuyển dụng của đơn vị. Thế nên, tôi mở quán cơm tại nhà để ổn định cuộc sống”.

Cái khó cho lao động nữ ở độ tuổi trung niên là khó tìm việc làm phù hợp, dù họ là lao động phổ thông hay lao động có trình độ. Khi các doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất thì lao động có độ tuổi trung niên là đối tượng phải nghỉ việc đầu tiên. Họ buộc phải chuyển sang làm những công việc phi chính thức. Nhiều người chọn nghề buôn bán nhỏ cũng không vất vả hơn làm công nhân, nhưng thu nhập bấp bênh, không ổn định; hoặc có nhiều người làm việc cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo diện công nhật, gia công hàng hóa, nhưng không có hợp đồng lao động hay chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lý giải điều này, không ít chủ DN tiết lộ, ngoài bằng cấp, năng lực thì họ thường chú ý đến độ tuổi trong khi tuyển dụng. Trong khi đó, chi phí BHXH , bảo hiểm y tế, tiền lương DN phải trả cho nhóm đối tượng này cao hơn do chính sách thâm niên. Vì thế, họ tìm cách lách luật để cho những lao động này ra khỏi DN.

Tất nhiên, việc lựa chọn, bố trí lao động phù hợp với công việc, là nhu cầu chính đáng của DN. DN mong muốn tuyển dụng đội ngũ nhân sự có độ tuổi lao động được trẻ hóa, năng động, sáng tạo hơn. Song, cũng nên chú ý thế mạnh của người lao động độ tuổi trung niên. Ngoài năng lực chuyên môn thực sự, họ có kinh nghiệm xử lý và giải quyết vấn đề cũng như sự nhạy bén, bình tĩnh, cẩn thận, tận tụy với công việc.

Lựa chọn khác

Ở độ tuổi trung niên, người lao động cần có thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống và gia đình, nhưng có một nghịch lý đây cũng là thời điểm họ dễ bị mất việc làm nhất trong các DN. Vì vậy khi nghỉ làm tại công ty, đa số lao động vẫn phải tiếp tục tìm kiếm việc làm để duy trì cuộc sống.

Qua các sàn giao dịch việc làm, có nhiều ngành nghề đang rất thịnh hành, phù hợp với lao động tuổi trung niên. Đơn cử như nghề giúp việc gia đình, nghề chăm sóc nhà cửa, trông trẻ, vệ sinh công nghiệp (dọn dẹp nhà xưởng, sắp xếp đồ đạc). Bộ luật Lao động và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định khung pháp lý bảo vệ người lao động giúp việc. Theo đó, người giúp việc sẽ được ký hợp đồng lao động với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cùng 2 khoản tiền BHXH và bảo hiểm y tế khi được sử dụng lao động. Có công việc ổn định, phù hợp, họ có thể tham gia BHXH tự nguyện với nhiều mức đóng và được hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Từ thực tế địa phương, bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, những năm qua, hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ. Hội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, tạo cơ hội để phụ nữ nông thôn có việc làm tại chỗ, không phải đi làm ăn xa.

Được ban hành cách đây 10 năm, thực tế triển khai thực hiện Luật Việc làm 2013 đã bộc lộ những hạn chế. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này đang được đưa ra lấy ý kiến, với nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có nhóm chính sách sẽ tác động đến lao động ở khu vực phi chính thức, lao động yếu thế. Lao động phi chính thức là nữ giới chiếm số lượng tương đối lớn, thường chịu ảnh hưởng nặng nề trên 4 khía cạnh: Việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có hướng giải pháp góp phần tạo cơ hội, điều kiện cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ, được tiếp cận với chính sách chính thức hóa việc làm, được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ về pháp lý, đào tạo nghề, tham gia BHXH tự nguyện, được cung cấp thông tin về thị trường lao động, được tư vấn, giới thiệu việc làm.

"Phụ nữ trung niên rất khó tìm việc làm phù hợp do hạn chế về trình độ, chuyên môn. Do đó, khi sửa đổi Luật Việc làm, tôi mong các nhà làm luật cần chú ý đến nhóm đối tượng này hơn nữa để giúp họ cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống", bà Loan bày tỏ.

Bài, ảnh: Huế Thu