Ngày càng nhiều quốc gia áp dụng dạy và học trên các thiết bị kỹ thuật số. Ảnh minh họa: Yomiuri Shimbun/Báo Tin tức

Cụ thể, Bộ sẽ bắt đầu triển khai chương trình sách mới với 3 môn Tiếng Anh, Toán và Tin, các môn học khác sẽ được quyết định vào tháng 5. Việc chuyển đổi từ sách giấy sang sách điện tử sẽ được thực hiện bằng cách phát triển công nghệ phù hợp cho từng môn học, giúp học sinh và giáo viên học và dạy các khóa học một cách hiệu quả.

Những công nghệ mới bao gồm Hệ thống giảng dạy thông minh, một hệ thống học tập dựa trên máy tính, sử dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp các bài học giống con người thực hiện, siêu thực và thực tế mở rộng (XR), một môi trường thực và ảo được tạo bởi đồ họa máy tính.

Bắt đầu từ năm 2025, học sinh lớp 3 và lớp 4, cũng như học sinh lớp 7 sẽ là những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Học sinh lớp 5, 6 và 8 sẽ sử dụng sách giáo khoa kỹ thuật số vào năm 2026 và học sinh lớp 9 sẽ áp dụng học sách mới vào năm 2027. Cả sách giáo khoa bản in và kỹ thuật số đều sẽ được sử dụng trong các lớp đến năm 2028 để tránh nhầm lẫn cho các giáo viên và học sinh trong giai đoạn chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đầu tư vào việc bồi dưỡng giáo viên sử dụng bài giảng điện tử và chuẩn bị các buổi đào tạo cho mỗi phòng giáo dục cấp tỉnh. Ngoài ra, 7 phòng giáo dục sẽ vận hành 300 trường thí điểm để số hóa trong năm nay.

Liên quan đến lo ngại của phụ huynh về những tác động trước mắt và lâu dài của việc cho học sinh, đặc biệt là những học sinh lớp dưới tiếp xúc với các thiết bị điện tử, Bộ có kế hoạch xây dựng một hệ thống có thể bảo vệ học sinh khỏi các trang web và nội dung Internet có hại.

Các chuyên gia giáo dục địa phương cho biết, sự gia tăng của việc học dựa trên kỹ thuật số là không thể tránh khỏi, nhưng cần có một cách tiếp cận có hệ thống và kiến thức đúng đắn về các tài nguyên giáo dục kỹ thuật số.

Đề cập đến việc Hàn Quốc là nước đi sau trong giáo dục kỹ thuật số, nhà phê bình giáo dục Lee Bohm chỉ ra rằng, các trường học ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phát triển đã chuyển sang giai đoạn mà giáo viên và học sinh đang sử dụng các thiết bị như iPad.

Đơn cử, Vương quốc Anh đã phát triển “LendED”, một nền tảng được thiết kế để tăng cường việc học tập trên lớp do giáo viên hướng dẫn và cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Cùng lúc, Đức đã thực hiện các phong trào mới thông qua “DigitalPakt Schule”, một hiệp ước kỹ thuật số dành cho các trường học, trong đó chính phủ liên bang hỗ trợ các tiểu bang và thành phố về cơ sở hạ tầng giáo dục kỹ thuật số.

Tại châu Á, Nhật Bản đã áp dụng “Cổng đổi mới và toàn cầu cho tất cả mọi người”, trang bị cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở các thiết bị học tập kỹ thuật số.

Trong một diễn biến có liên quan, Phó Giáo sư tại Đại học nữ Ewha Yoo Seung-chul nhận xét, cần chú ý đến kế hoạch xử lý rác thải điện tử trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Lý giải về điều này, tuổi thọ trung bình của các thiết bị điện tử thường là từ 3 - 5 năm, do đó, tồn tại một số mặt tối của sách kỹ thuật số, chẳng hạn như tạo ra chất thải kỹ thuật số và Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ cần một kế hoạch kéo dài hàng thập kỷ để phân phối các thiết bị điện tử.

Ngoài ra, Giáo sư tại Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju Park Nam-gi cho biết, việc ngăn chặn học sinh sử dụng sai và lạm dụng các thiết bị điện tử là điều then chốt.

“Học sinh sử dụng điện thoại thông minh và máy tính xách tay ở nhà, nhưng các em cũng cần được đào tạo về cách sử dụng các thiết bị trong lớp học. Giáo dục và đào tạo trước rất quan trọng vì các vấn đề bất ngờ hoàn toàn có thể xuất hiện. Vì vậy, Bộ sẽ cần các chuyên gia để giải quyết các vấn đề đó”, Giáo sư Park Nam-gi khẳng định.

Đan Lê (Lược dịch từ Korea Herald)