Khung cảnh đoàn tàu chạy từ hướng Đà Nẵng ra Huế, dưới chân đèo Hải Vân đoạn nhìn vịnh Lăng Cô tuyệt đẹp

Không nhanh bằng ô tô nhưng trải nghiệm tàu hỏa vẫn khiến nhiều người, trong đó phần đông là du khách mê mẩn khi khám phá cung đường từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại.

Phóng tầm mắt từ bên trong toa tàu khi đoàn tàu chạy qua đoạn đèo Hải Vân chẳng khác gì lạc vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với biển xanh, mây trắng. Với nhiều người yêu du lịch, cung đường bộ đi qua đèo Hải Vân được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã quá quen thuộc và được nhiều người lựa chọn, thì đường sắt cũng có sức hút tương tự.

Thay vì đi đường bộ có thể dừng chân theo ý muốn, ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên cao, du khách đi đường sắt được tiệm cận rừng và biển vô cùng thích thú, đó là chưa kể có những phút trải nghiệm bên trong đường hầm ngắn dưới chân đèo.

“Cung đường đèo Hải Vân là một trong những cung đường đèo tuyệt đẹp, dù trải nghiệm bằng phương tiện nào”, bạn trẻ Nguyễn Tố Như – người Huế sống và làm việc tại Đà Nẵng chia sẻ. Nhưng với Tố Như, di chuyển bằng đường sắt, với cảm giác rung lắc quen thuộc đã trở thành thói quen trong hành trình di chuyển qua về giữa hai địa phương.

“Thích hơn đó là cảm giác được ngắm khung cảnh biển tuyệt đẹp, chẳng khác gì một dải lụa kết nối giữa Huế và Đà Nẵng. Đặc biệt, mùa nắng biển trong vắt và có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ về thú vị”, Tố Như nói và chưa bao giờ chán khi di chuyển bằng đường sắt, dù biết sẽ mất thời gian hơn so với đi ô tô.

Dù không thể dừng lại theo ý muốn, nhưng cảm giác được ngắm cảnh một bên biển một bên rừng dù chỉ thoáng qua trong chớp mắt với nhiều người đó là một cảm giác lạ. Một đoạn tàu chạy qua một khung cảnh khác nhau, có khi thẳng tắp, nhưng có khi uốn lượn choáng ngợp, hút hồn. Ở nhiều góc nhìn, chiều kích, không gian lẫn thời gian… du khách có những cảm nhận, cảm xúc khác nhau.

“Với mình đoạn đẹp nhất đó là lúc tàu chạy từ Đà Nẵng ra, khi đến phía Bắc chân đèo Hải Vân. Từ góc nhìn này, có thể ngắm được khung cảnh bình yên, bờ biển dài, cát mịn bên kia của Lăng Cô”, bạn trẻ Gia Tiến - một người TP. Hồ Chí Minh nhiều lần trải nghiệm cung đường đèo Hải Vân bằng tàu hỏa nói với giọng trầm trồ.

Chàng trai người miền Nam kể, thường bay ra Đà Nẵng sau đó đặt vé tàu hỏa để đến Huế. Thích khung cảnh đẹp nên Tiến thường chọn vé có ghế ngồi ở ngoài cùng, phía giáp mặt hướng ra biển để có thể vừa ngắm cảnh, vừa tranh thủ chụp lại những khoảnh khắc mà mình ưng ý trên cung đường này.

Tiến chia sẻ, từng trải nghiệm nhiều cung đường tàu hỏa chạy qua nhiều tỉnh thành cũng như nhiều nơi trên thế giới với rất nhiều cảnh đẹp khác nhau. Nhưng ấn tượng với Tiến vẫn là cung đường đèo dưới chân “thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

“Nó đẹp và hùng vĩ. Cảnh đẹp chẳng thua nơi nào. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ và mình sẽ tiếp tục trải nghiệm”, Tiến hào hứng khi nhắc lại cung đường này không chỉ có biển mà còn những vách núi, những con suối và những cây cầu xưa cũ.

Đường sắt đoạn chạy qua dưới chân núi Hải Vân dù dài gần 20km nhưng có nhiều cảnh đẹp và luôn cuốn hút nhiều du khách, trong đó có rất đông du khách quốc tế. Và nhờ thế, cung đường này được nhiều kênh du lịch trên thế giới chia sẻ, khen ngợi với cảnh đẹp choáng ngợp.

Nhiều công ty khai thác du lịch, lữ hành cho biết, ngày nay có rất nhiều phương tiện để du khách di chuyển, trải nghiệm. Trong đó, đường bộ với Quốc lộ 1A rộng thoáng, cùng hệ thống đường hầm hay đường cao tốc rút ngắn khoảng cách đi lại. Nhưng với nhiều du khách thích khám phá thì đường sắt là một trong những sự lựa chọn luôn được ưu tiên trên hành trình đến Huế du lịch và được đánh giá là tour trải nghiệm chưa bao giờ thôi hấp dẫn.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam (TP. Huế) ghi nhận, dù rất ít nhưng vẫn có lượng khách nhất định chọn trải nghiệm du lịch bằng đường sắt, trong đó có cung đường từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại để khám phá cảnh đẹp đèo Hải Vân.

Lý giải dù an toàn nhưng vẫn còn ít khách, theo ông Chương, di chuyển bằng tàu khá ồn, thời gian chậm hơn so với xe và rất khó ngủ. Nhưng để cảm nhận được vẻ đẹp, với cung đường ngắn từ Huế đi Đà Nẵng và ngược lại thì cũng dễ chấp nhận được. “Khoảng 5-7% du khách chọn dịch vụ này. Để dịch vụ này phát triển và thu hút khách tôi nghĩ cần nâng chất lượng dịch vụ cũng như mức giá phù hợp”, ông Chương nói.

Bài, ảnh: NHẬT MINH