Người thợ xây phải nắm được những kiến thức cơ bản trong quá trình xây tô nhà
Căn nhà đẹp gây ấn tượng đầu tiên bởi ngoại quan của ngôi nhà, trong đó lớp tô tường chất lượng phủ quanh tôn thêm vẻ đẹp, sạch mới. Trong xây dựng, nhất là xây dựng dân dụng, ở môi trường khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều như ở Huế, lớp vữa tô tường càng quan trọng hơn và ảnh hưởng đến sự bền vững của công trình.
Ông Nguyễn Văn Quang, chủ một thầu xây dựng ở xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, xây dựng các công trình hiện nay, đa phần các công đoạn đều có máy móc hỗ trợ từ trộn vữa cho đến đổ bê tông tầng nhà.
Dù có những công đoạn tuy có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ cũng cần có kiến thức, kinh nghiệm trong việc chọn vật liệu, chọn tỷ lệ trộn phù hợp tạo nên một “mẻ” vữa tô tường chất lượng. Điều này quyết định đến việc hạn chế các vết nứt, bền vững của bức tường cũng như tính thẩm mỹ của công trình.
Ông Tôn Thất Tùng Thành, Trưởng phòng Thí nghiệm - Kiểm tra chất lượng sản phẩm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) chia sẻ, cấp phối định mức vữa xây dựng dân dụng tại Việt Nam được những nhà chuyên môn tính toán và thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 4459:1987.
Hiểu một cách đơn giản, định mức vữa xi măng là quá trình tính toán để tìm ra tỷ lệ cát, xi măng, nước, phụ gia (nếu có) hợp lý cho vữa và đúng quy chuẩn của vật liệu vữa nhằm đạt các tiêu chuẩn chất lượng cũng như phù hợp với điều kiện thực tế sử dụng.
Nhân viên Phòng Thí nghiệm - Kiểm tra chất lượng đang thực hiện phân tích mẫu trên máy X-rays tại Đồng Lâm
Theo đó, cấp phối vữa xi măng phụ thuộc vào mác vữa, kích thước hạt cát, loại xi măng và chất lượng, thành phần phụ gia (nếu có). Dựa trên tính toán và thực nghiệm, Bộ Xây dựng đã đưa ra bảng quy định định mức vật tư trong xây dựng với đầy đủ phần định mức cấp phối vật liệu cho các loại vữa xây, trát thông thường.
Các nhà sản xuất xi măng đã cụ thể hóa định mức này phù hợp với chất lượng sản phẩm và in trên vỏ bao xi măng hướng dẫn các tỷ lệ cấp phối vữa, bê tông. Trên thực tế xây nhà ở đơn lẻ, một số thợ xây đôi lúc làm theo cảm tính, trộn vữa và điều chỉnh cát, xi măng sao cho thấy vừa, dẻo là được. Rất ít các đội thợ đong đếm cẩn thận khi chuẩn bị vữa thi công. Điều này có thể tạo ra vữa kém chất lượng (nếu thiếu xi măng), gây lãng phí (nếu thừa xi măng), chất lượng không đồng đều, dễ gây nứt thấm.
Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, để có một công trình kiên cố, chắc chắn, bền vững với thời gian và có tính thẩm mỹ cao thì công việc trát tường cần tiến hành khi tường đủ cứng. Thông thường sau khi xây khoảng 10 - 15 ngày, nếu tường xây trong thời gian ngắn mà tô trát ngay dẫn đến độ ẩm khác nhau của mạch vữa và gạch cũng dễ dẫn đến nứt lớp tô trát.
Thợ xây cần tiến hành làm sạch bề mặt tường đảm bảo không còn bụi bẩn, tạp chất, nhũ tương, rác, dầu. Tưới đủ ẩm để đảm bảo tường xây không háo nước làm khô nhanh lớp vữa trát gây nứt. Công đoạn này chuẩn bị kỹ cũng hạn chế nứt sau khi đã trát. Đối với vị trí là kết cấu bê tông, phải làm ẩm và tạo nhám trước khi trát, cần thiết thì phải trát lớp hồ dầu xi măng trước khi trát vữa.
Tường xây lên cần đảm bảo thời gian hết ẩm trước khi tiến hành trát vữa
Theo ông Tôn Thất Tùng Thành, để có được vữa xây tô trát chất lượng, hạn chế rạn nứt và ố tường vách, cần chuẩn bị nguồn cát sạch, được sàng lọc kỹ càng. Sau khi trộn thật đều hỗn hợp cát và xi măng theo tỷ lệ cấp phối phù hợp, ở những khu vực có độ ẩm cao cần chuẩn bị vữa có mác lớn hơn để tăng cường khả năng chống thấm và gia tăng độ bám dính giữa các lớp trát.
Tùy theo độ ẩm của cát, người thợ xây điều chỉnh lượng nước sạch trộn vào hỗn hợp để đạt độ dẻo quánh mong muốn của vữa, đảo trộn vữa thật đều. Ở công đoạn này, nhằm hạn chế rạn nứt cho lớp tô trát thì vữa phải được chuẩn bị tốt, không được dùng cát nhiều bụi hạt mịn hay nhiễm bẩn, không dùng quá ít xi măng dễ gây thấm tường và bám dính kém, cũng không dùng quá nhiều xi măng dễ gây nứt do co ngót, lượng nước trộn không quá nhiều dễ gây trụt lớp trát khi tô và tạo vết nứt.
Lượng vữa chỉ chuẩn bị vừa đủ, không chuẩn bị nhiều, tốt nhất là trộn đến đâu dùng đến đó, để càng lâu càng mất tính kết dính của vữa gây cho lớp vữa tô khó bám dính, dễ bong tróc hay nứt nẻ. Vữa trộn không đều, cục bộ chỗ nhiều cát ít xi măng hay ngược lại cũng sẽ gây bong tróc hay nứt nẻ lớp trát tường.
Sau khi trộn vữa xong, vận chuyển vữa vào khu vực cần thi công rồi dùng bay xây, bàn xoa và thước phẳng để tiến hành trát bề mặt tường. Việc tô trát và và làm phẳng bề mặt tường đảm bảo không để lại vết nứt, vết trụt lớp vữa tô. Các góc tường cần vuông, cân và khớp với nhau. Thi công trát trần, dầm trước sau đó mới đến tường, cột.
Trong trường hợp vữa bị khô thì dùng chổi đót thấm nước quét nhẹ lên mặt tường
Chiều dày của lớp trát nên là từ 10 đến 12-mm. Trong trường hợp muốn tô trát tường 2 lớp, thì phải tiến hành trát từng lớp vữa một, khi lớp trước khô (khoảng 3-4 giờ) thì mới trát lớp thứ 2, không để lớp 1 khô lâu quá vì sẽ gây tách lớp, độ dày mỗi lớp chỉ tối đa nên khoảng (6-8) mm, chỗ dày nhất không nên quá 20mm. Vữa tô mỏng hoặc dày quá đều dễ gây nứt lớp trát tường.
Ngay khi trát xong một khoảng vừa phải cần quan sát bề mặt tường, nếu có những chỗ lồi lõm thì khoét gạt hay trát thêm rồi dùng bàn xoa để xoa lại lần nữa.
Trong trường hợp vữa bị khô thì dùng chổi đót thấm nước quét nhẹ lên và dùng bàn xoa, xoa một vòng rộng để tạo sự kết dính giữa các phân tử có trong vữa. Trong trường hợp vữa ướt hoặc chỗ tường xây bị ẩm, bẩn, lớp tô trát rất dễ bị trụt và để lại các vết nứt lớn, cần khoét ngay và làm sạch các vết nứt này để tô lại, cần thiết phải trộn vữa khô thêm vào đống vữa ướt để điều chỉnh độ dẻo của vữa.
Bảo dưỡng tường Để hạn chế vết nứt cho lớp trát, việc tô trát tường nên tiến hành ở những khung giờ thời tiết mát dịu, tô khi nắng gắt hay thời tiết nóng sẽ tăng thêm nguy cơ nứt lớp tô trát do sự mất nước nhanh hay co ngót của lớp vữa trát. Trong trường hợp phải thi công, nên sử dụng biện pháp che nắng khi tô trát. Sau khi trát xong 1-2 ngày phải tưới ẩm để bảo dưỡng cho bề mặt trát, tưới nước 1 ngày/ lần, tưới liên tiếp trong vòng 4-5 ngày. Vào ngày nắng, hanh khô thì tưới thường xuyên hơn. |
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN - ĐỒNG THANH