Nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Anh vừa đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, cảm xúc trong anh lúc này như thế nào?

Tôi rất vui khi tác phẩm “Bạc màu áo ngự” được xướng tên trong giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một vinh dự rất lớn trong sự nghiệp sáng tác và là nguồn động viên để tôi tiếp tục cầm bút, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc nhất. Tác phẩm được trao giải thưởng lần này khiến tôi rất bất ngờ đến không thể tin được, vì lẽ phải vượt qua nhiều vòng chấm nhọc nhằn của ban giám khảo và nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ khác rất nặng ký, có chất lượng.

Với tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự”, anh muốn gửi gắm điều gì đến độc giả?

Thân phận con người có được “hiểu thêm” qua lăng kính lịch sử, được hướng dẫn tư duy phán đoán để ứng phó với cuộc sống thường nhật hay những biến thiên của thời đại. Một tâm hồn hồi cố được truyền thừa lại cho những thế hệ khác, luôn căng đầy hứng thú với câu chuyện của lịch đại. Lịch sử sau cánh cửa này chứa đựng gì, có thật sự hấp dẫn và cần thiết cho chúng ta, những người đang sống trong hiện tại này không. Và nữa, không có sự sắp đặt cho lịch sử vào những đường vạch sẵn của luân lý và chúng ta đã mất công gán đặt những quy nạp của riêng mình. Nhưng một tác phẩm văn học có thể cho ra những diễn biến, kết thúc khác nhau về một nhân vật, sự kiện lịch sử. Một “bài sử Việt Nam”, điều mà những thế hệ nhà văn tiền bối như Nguyễn Huy Tưởng, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh… đã dựng nên. Đó là giấc mơ của “sự thật” được tôn trọng và đã đứng vững trong dòng văn học lịch sử. Những điều này đã hấp dẫn và thôi thúc tôi cầm bút.

Giá trị của tác phẩm để nó được lựa chọn trao giải là gì?

Tôi xây dựng những truyện ngắn trong “Bạc màu áo ngự” theo hướng đậm chất lịch sử và xem trọng tính tường diễn sâu sắc của ngôn ngữ để “văn chương hóa” lịch sử. Những lối kết cấu linh hoạt, những diễn biến tâm lý phức cảm, nhiều tầng bậc không gian, thời gian truyện, những chiến lược tự sự, lối kể chuyện mang tính chất dòng ý thức đã thể hiện hiệu quả nhất định. Nghệ thuật khi ấy không chỉ đã bám theo chân lý của đời sống, mà cao hơn nữa là chân lý thâm cùng của vũ trụ để diễn giải lịch sử theo cách của nhà văn.

Tác phẩm “Bạc màu áo ngự”

Như thế, vấn đề của văn chương trong những câu chuyện là việc “phẫu thuật” những thể phận của con người, đời sống chính trị qua nhiều triều đại, thời kỳ trong lịch sử Việt Nam với hàng trăm chi tiết tỉ mẩn về sự kiện, nhân vật, ngôn ngữ. Tôi đã dụng công rất nhiều trong việc sử dụng một bút pháp linh hoạt để phù hợp với nội dung câu chuyện, bối cảnh, nhân vật, sự kiện… nhằm mang tác phẩm gần hơn với độc giả.

Trong tác phẩm của mình, anh thường khai thác những chủ đề gì, phản ánh cuộc sống như thế nào?

Những chủ đề tôi quan tâm xoay quanh những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử dân tộc, là đời sống chính trị của tầng lớp trên, thân phận và tình yêu của con người trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, những người vô danh làm nên lịch sử, các yếu tố dân gian, quan niệm triết học, đời sống… đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thật của thời đại xa xăm theo cách của riêng mình. Một sự phóng tưởng xuyên thời gian dựa trên những cứ liệu thuyết phục, rằng quá khứ luôn luôn là kho báu cho mỗi bài học của chúng ta.

Hầu như tác phẩm nào của anh ra mắt độc giả cũng được đánh giá cao. Hẳn anh đã rất nỗ lực, tâm huyết trong từng tác phẩm?

Tôi luôn tâm niệm đã viết, sáng tạo là tận lực, là đến cùng, vượt qua giới hạn của bản thân để cho ra đời một đứa con tinh thần “vạm vỡ” nhất có thể.

Tôi quan niệm cuộc sống của một con người có giá trị không phải ở tuổi thọ ngắn hay dài, mà là cái để lại cho thế giới này. Người cầm bút cũng vậy, những ý tưởng về tác phẩm phải được ra lò, được sản sinh bởi một sự miệt mài lao động nghệ thuật đúng nghĩa và phải miệt mài tư duy, miệt mài sáng tạo, miệt mài với cái mới, cái hay, cái sâu sắc. Viết là cách nhà văn sống khác với tồn tại xã hội, là cách tạo nên một ý nghĩa của lẽ sống, để nhớ, để ghi về mình, về thời đại mình đi qua. Vì thế, bản thân ý thức được rằng phải nỗ lực, phải làm việc và không ngừng đi - học - đọc - viết để làm “giàu có” các trang viết của mình.

Huế là vùng đất từng có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Để văn chương xứ Huế có lại được vị thế như ngày xưa trên văn đàn, theo anh cần phải làm gì?

Những thế hệ trước đã làm rạng danh xứ sở, lưu dấu ấn trong lòng bạn đọc trong nước và thế giới. Thế hệ tôi hy vọng có thể tiếp nối, tiếp tục phát huy những giá trị mà thế hệ tiền bối đã tạo dựng. Dĩ nhiên, việc này cần sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều tác giả để giữ thương hiệu vùng đất văn học nghệ thuật Cố đô. Và văn chương Huế luôn có sự khác biệt, có những giá trị thuộc về bản sắc, được thừa nhận, đón chờ. Điều quan tâm nhất của tôi cho đến bây giờ là làm sao mình có thể tiếp tục cho ra đời tác phẩm văn chương có giá trị nhất, có thể tồn tại lâu dài trong lòng bạn đọc. Điều này rất khó, đòi hỏi người cầm bút ra sức, tìm tòi, dày công sáng tạo hơn nữa.

Để văn đàn xứ Huế có vị thế như ngày xưa, theo tôi cần tạo ra những sân chơi văn chương là cần thiết. Trong quá khứ và hiện tại đã có, tuy nhiên cần thêm quy mô lớn hơn, đều đặn hơn và có tính thực tiễn hơn. Việc phát hiện, bồi dưỡng, động viên các tác giả trẻ chính là từ những sân chơi này. Nó cần thiết ở chỗ là nơi sinh hoạt, nhóm họp những người có sự đồng điệu, đồng cảm về một địa hạt đam mê, để có thể chia sẻ, học hỏi, phát triển. Nó được nuôi dưỡng bằng sự xây dựng chân thành, bằng sự quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất.

Anh có thể chia sẻ thêm những trăn trở, tâm huyết với văn chương nói chung, văn học trẻ nói riêng?

Tôi trăn trở nhiều về những “đứa con tinh thần” trong tương lai. Tôi muốn nhảy qua cái bóng của mình trong quá khứ. Thời gian của những nhân vật trong tác phẩm khác hẳn thời gian mà nhà văn hoàn thiện chúng. Độc giả dĩ nhiên sẽ dành ít thời gian để đọc tác phẩm của một nhà văn đôi khi dành cả cuộc đời để viết. Và sự thấu hiểu tác phẩm văn học không phải lúc nào cũng một sớm, một chiều, có khi cả một cuộc đời trọn vẹn vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của một tác phẩm.

Người viết như tôi thiếu nhất là vốn sống, sự trải nghiệm với hiện thực. Theo tôi, cái đó là thiếu cơ bản và nhiều nhất của chất liệu cần có, cần phải khai thác, tích lũy. Thiếu nghiêm túc và sự tận tụy với ngòi bút khi bạn cho rằng đó chỉ là cuộc viếng thăm mờ nhạt. Sự lệch lạc trong quan niệm về văn chương, sự ảo tưởng “ngôi sao” khi một lúc nào đó bạn có tác phẩm được tung hô, ca tụng và không làm sao nhảy qua được cái bóng mình.

Hãy lắng nghe bi kịch, tiếng thở than xung quanh mình, thấy nước mắt vẫn chảy đâu đó hằng ngày dưới mái nhà nghèo khổ, những thân phận nhọc nhằn… Văn chương thời nào cũng cần sự dấn thân, cần ngọn lửa không ngừng cháy sáng. Tôi biết rằng, có nhiều bạn trẻ đầu tư rất công phu, nuôi dưỡng đam mê và thực hành lao động nghệ thuật miệt mài, không ngừng suy nghĩ, không ngừng chinh phục đã cho ra những tác phẩm rất có giá trị.

Xin cảm ơn anh!

Minh Hiền (Thực hiện)