leftcenterrightdel
 Nhiều vị trí, ngành nghề ngày càng đòi hỏi trình độ, kỹ năng vận hành của người lao động

Phát triển kỹ năng nghề

Vô tình nghe được câu chuyện giữa hai thanh niên là bạn học cũ tại một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, khi cả hai đều có nguyện vọng ứng tuyển vào các vị trí cần bằng cấp đại học, cao đẳng. "E là khó chọi, nhưng nếu không được thì điền "sơ-cua" vị trí công nhân, vào làm rồi học lên", một người nói. Người bạn kia cũng đáp lời: "Mình cũng xác định rồi, không lông bông, "trông núi nọ" nữa, quyết "một nghề cho chín", chứ vợ sắp sinh rồi!".

Được biết, sau thời gian ra trường đi làm trái ngành, trái nghề, công việc, lương bổng bấp bênh, hai thanh niên này quyết định đến sàn giao dịch việc làm với hy vọng có một công việc mới phù hợp, ổn định, lương, thưởng tốt.

Thực ra thời buổi hiện nay, không phải người không có trình độ, bằng cấp khó tìm việc làm mà ngay cả những người có trình độ đại học, cao đẳng cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái ngành, trái nghề với công việc không ổn định.

Hiện nay, vị trí việc làm ở khu vực Nhà nước gần như đã "kín chỗ", thậm chí có nơi còn dôi dư. Trong khi đó, khối DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là "khoảng sáng" để nhiều sinh viên ra trường, người lao động có cơ hội để tham gia vào thị trường lao động rất sôi động này. Một vấn đề mà hầu như ai cũng biết là đa phần các DN có nhu cầu tuyển "thợ", tức là người có tay nghề chiếm hơn 80% trong cơ cấu tuyển các vị trí việc làm. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra đối với hệ thống cơ sở GDNN là phải chuẩn hóa, đổi mới đào tạo các ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của DN.

Qua khảo sát chung, công tác tuyển sinh của các cơ sở GDNN vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra. Năm học 2021-2022, các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo được giao rất thấp. Như Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật chỉ đạt 29% chỉ tiêu tuyển sinh; Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế đạt 48%; Trường cao đẳng Giao thông Huế đạt gần 10%; Trường cao đẳng Sư phạm đạt 46%; Trường cao đẳng Y tế Huế đạt 64%...

Chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số, kỹ năng cảm xúc..., khả năng tự học của người tốt nghiệp chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn phân bổ còn dàn trải, thiếu trọng điểm ngành nghề. Có nhiều trung tâm GDNN - Thường xuyên hoạt động kém hiệu quả. Số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thừa thiếu cục bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cơ sở vật chất, thiết bị của một số cơ sở GDNN chưa đồng bộ.

Sắp xếp, cải tổ

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đặt ra yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Khuyến khích các DN sử dụng lao động qua đào tạo nghề, tăng cường hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN với DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia đầu tư vào hoạt động GDNN.

Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 3- 4 trường chất lượng cao và có năng lực đào tạo tương đương. Trong đó, có 3 trường cao đẳng được công nhận trường chất lượng cao; 1 trường cao đẳng đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị theo tiêu chí trường chất lượng cao. Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia và các nước đang phát triển; tích cực tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, có một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 63-65%.

Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển về GDNN của miền Trung và cả nước và khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Để đạt các mục tiêu đề ra, bên cạnh thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng triển khai Đề án sắp xếp các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức xếp hạng cơ sở đào tạo theo chỉ số cạnh tranh, đồng thời, công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN đối với các cơ sở GDNN.

Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm; đầu tư thiết bị đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất của DN, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo. Trong đó, theo kế hoạch, sau khi có kết quả sắp xếp các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh sẽ đầu tư trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, hướng đến đạt các tiêu chí trường chất lượng cao.

Ngoài ra, còn đặc biệt chú trọng phát triển và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, triển khai mô hình đào tạo nhà giáo đạt chuẩn giảng dạy chương trình đào tạo quốc tế được chuyển giao từ nước ngoài, nhất là những nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG