leftcenterrightdel
 Sau 80 năm, tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Ảnh minh họa: PV/Vietnam+

Ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn dân tộc, trong đó có các văn nghệ sỹ. Họ đã từ bỏ con đường "vinh thân, phì gia" sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân dấn thân đi theo cách mạng.

Sau 80 năm, tư tưởng của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, là kim chỉ nam cho hoạt động của giới trí thức, văn nghệ sỹ, tập hợp họ dưới một ngọn cờ, để họ cống hiến tâm huyết, tài năng và sức lực của mình cho “mặt trận” văn hóa tư tưởng trong thời đại mới.

Ba trụ cột tư tưởng cho văn nghệ sỹ

Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu 3 nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa, đó là: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập), Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Tiến sỹ Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng với 3 nguyên tắc đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng là phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân.

Chính từ đây, người nghệ sỹ dần dần thay đổi thế giới quan, tìm đến những đối tượng sáng tác mới. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật không chỉ còn phản ánh cái tôi cá nhân, cảm xúc của bản thân mà tiếp cận, tìm cảm hứng sáng tác từ đất nước, quê hương, con người.

Tiếp nhận ánh sáng soi đường từ Đề cương, đội ngũ văn nghệ sỹ thời đó đã đi theo cách mạng như Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Nam Cao, Văn Cao, Tô Ngọc Vân... và những người trưởng thành trong cách mạng như Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Hoàng Vân...

Suốt 80 năm qua, 3 nguyên tắc này được Đảng ta vận dụng đúng đắn trong chỉ đạo mọi mặt của đời sống văn hóa, nghệ thuật, trong đó có vấn đề phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ.

Tiến sỹ Mai Thị Thùy Hương chỉ ra những quan điểm đổi mới của Đảng đã nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa, tạo điều kiện, môi trường để văn nghệ sỹ tăng sức sáng tạo, trong đó, có rất nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam, cổ vũ tinh thần lao động, cống hiến xây dựng đất nước được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng.

“Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra, văn nghệ sỹ đã thể hiện vai trò xung kích, chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân chiến đấu và chiến thắng đại dịch với nhiều ca khúc âm nhạc, nhiều tác phẩm nghệ thuật... đi vào lòng người,” Tiến sỹ Mai Thị Thùy Hương nêu vấn đề.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì cho rằng 3 nguyên tắc Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu lên là 3 trụ cột về tư tưởng cho giới văn nghệ sỹ, thức tỉnh những người đang bi quan, dao động, mất phương hướng.

“Văn kiện lịch sử này đã tập hợp, tổ chức và cổ vũ đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ cả nước xông vào cuộc chiến đấu phá vỡ xiềng xích của kẻ thù, phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa tinh thần của toàn dân tộc cho thắng lợi cách mạng. Chúng ta chiến thắng không phải nhờ vũ khí đạn dược, mà nhờ sức mạnh mềm tinh thần và chỉ văn hóa mới làm nên tinh thần đó,” ông Thiều nhận định.

Tăng đãi ngộ cho nghệ sỹ

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho hay Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt. Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sỹ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Do đó, những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cần phải trăn trở, ý thức rõ trách nhiệm của mình và nỗ lực tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng tác phẩm.

Theo ông, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật những năm gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước, trong đó có thể nói đến sự vắng bóng của những công trình, những tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.

“Xu thế nghiệp dư hóa trong sáng tác và biểu diễn, sự lên ngôi của những loại hình, những tác phẩm bị dư luận gọi là ‘thị trường’ nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng vẫn diễn ra. Ngoài ra, còn tồn tại các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp,” nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nêu vấn đề.

Từ đó, ông Quân đề xuất giải pháp cụ thể là đãi ngộ, chăm lo phát triển để đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà có đủ năng lực và điều kiện cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Các tài năng nghệ thuật cần được phát hiện sớm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện và trọng dụng.

Về cơ chế, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho rằng cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Bên cạnh đó, những loại hình văn học, nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia-dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa-con người Việt Nam thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật.

“Giới nghệ sỹ phải nỗ lực góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ-nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất,” nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nói.

Tiến sỹ Mai Thị Thùy Hương đồng tình với quan điểm này. Bà cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tăng cường chế độ đãi ngộ, khen thưởng và tích cực phát huy vai trò của văn nghệ sỹ trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp biểu dương, khuyến khích, khen thưởng các nghệ sỹ sáng tác và biểu diễn các tác phẩm ca ngợi Tổ quốc, đất nước, tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc; khuyến khích các tác phẩm văn học, nghệ thuật đổi mới, bắt kịp xu thế của thời đại; ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng xâm nhập của văn hóa ngoại lai; chấn chỉnh, xử phạt nặng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật kém chất lượng, phản cảm, các nghệ sỹ có hành vi, lối sống lệch chuẩn.

“Các tác phẩm nghệ thuật cũng đóng góp giá trị về mặt kinh tế lớn. Vì vậy, đội ngũ văn nghệ sỹ phải được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước để thể hiện những vấn đề của cuộc sống và góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,” Tiến sỹ Mai Thị Thùy Hương chia sẻ.

Theo Vietnam+