leftcenterrightdel
NTK Xuân Thu (thứ nhất, từ phải qua) và những người mẫu trong trang phục áo dài thuộc BST “Đôi bàn tay mẹ” 

Tháng Ba, Hà Nội vẫn còn lạnh nhưng đã bớt đi cái ẩm ướt của tiết xuân, thay vào đó là những tia nắng ấm đủ để làm óng sắc màu trên những tà áo dài được làm bằng tơ lụa.

Vẫn tinh thần lạc quan đầy tự tin, Xuân Thu hào hứng bắt đầu câu chuyện về bộ sưu tập mới bằng sợi dây kết nối 3 thế hệ mà chị là hạt nhân để chuyển tải sự cần mẫn, khéo léo, cầu kỳ, tinh tế từ mẹ mình sang con gái - nhà thiết kế trẻ Nguyên Khanh.

“Mẹ tôi đã khâu áo lụa suốt cả cuộc đời. Tôi cũng vậy, kể từ khi dấn thân vào nghề thiết kế áo dài. Và bây giờ là Nguyên Khanh - thế hệ genz cũng khởi nghiệp bằng đôi bàn tay cây kim, sợi chỉ.

Bộ sưu tập mới là sự kết hợp của ba thế hệ, 3 đôi bàn tay với cảm nhận về cái đẹp khác nhau, độ thuần thục, tinh tế cũng khác nhau nhưng lại có chung cái đích là tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc, từ chất liệu, màu sắc, kiểu dáng.

Có người nói, áo dài của Xuân Thu và cả những chiếc áo bông chần tôi thiết kế chẳng giống ai, cũng kén người mặc lắm, nhưng một khi đã mặc thì rất lạ, đẹp, không trộn lẫn vào đâu được. Cũng bởi vậy mà tôi tồn tại với nghề bao năm nay và bền bỉ nuôi giữ, phát triển thương hiệu theo lối đi riêng của mình”- NTK Xuân Thu cho biết.

leftcenterrightdel
Ở tuổi 76, mẹ của NTK Xuân Thu vẫn miệt mài khâu tay 

Cũng theo NTK Xuân Thu, BST “Đôi bàn tay mẹ” được thực hiện với ý tưởng khá đặc biệt, không phải là model tiêu chuẩn và là sự kết nối giữa các cặp mẹ và con gái mặc áo dài.

Từ kiểu dáng, đường nét, chất liệu đến các họa tiết trên các bộ trang phục đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp của con người trong sự hài hòa với thiên nhiên cỏ cây, hoa lá.

Vẫn là đũi, tơ tằm đến từ các làng nghề dệt lụa; các phụ kiện làm từ sơn mài có xuất xứ từ làng nghề làm sơn mài Hạ Thái, “Đôi bàn tay mẹ” thể hiện sự chung thủy của nhà thiết kế với chất liệu truyền thống và sự gắn bó mật thiết với các làng nghề ở Hà Nội.

Ở “Đôi bàn tay mẹ”- lần đầu tiên con gái NTK- cô bé 15 tuổi Nguyên Khanh tham gia thiết kế theo concept về màu sắc và chất liệu, tạo ra một bộ đôi hoàn chỉnh để sự hiện diện của trang phục là vẻ đẹp tinh tế trong cách phối các bộ trang phục cùng một phong cách.

leftcenterrightdel
 NTK Xuân Thu và con gái cùng người mẫu trong bộ sưu tập mới

Nguyên Khanh từng gây ấn tượng khi tham gia Lễ hội áo dài du lịch năm 2022 với BST “Begin” (Bắt đầu), gồm 9 mẫu áo dài được phác thảo chỉ trong 1 đêm.

Tại chương trình này, 9 mẫu thiết kế của Nguyên Khanh mang đến sự trẻ trung với nhiều mảng màu tươi sáng được sắp đặt khéo léo với những hình vẽ cá tính.

Theo Nguyên Khanh, BST “Begin” được khởi nguồn từ bức tranh sơn khắc mà cô thực hiện khi 13 tuổi.  Nên khi tham gia cùng bà và mẹ thiết kế BST “Đôi bàn tay mẹ”, Nguyên Khanh tiếp tục thể hiện sự cá tính với tinh thần hiện đại của mình vào quá trình thiết kế.

Nếu như áo dài do NTK Xuân Thu thiết kế cầu kỳ, thêu thùa tinh tế theo tinh thần Quan họ, thì thiết kế của Nguyên Khanh lại tối giản với các chi tiết rất thơ, như nơ là hoa ở bộ xanh rêu, nơ là nốt nhạc ở bộ xanh cốm, nơ là điểm nhấn ở sườn, nơ ở kỹ thuật xếp nếp ở bộ đỏ.

Màu sắc và chất liệu trong các trang phục Nguyên Khanh thiết kế tươi trẻ. Trong khi mẹ cô-NTK Xuân Thu lại là sự chồng màu nhiều lớp vải giống như sắc thái trang phục Quan họ, nền nã, thanh lịch; chói mà không lòe loẹt. BST “Đôi bàn tay mẹ” được may trên chất liệu luạ và được khâu tay từ bà ngoại của Nguyên Khanh.

“Những hình ảnh hoa cỏ trên áo dài là gửi gắm của tôi về sự kiên cường, tự tin, mạnh mẽ của những người phụ nữ hiện đại. Trong cuộc sống, trong lao động, trong công việc hàng ngày, những người phụ nữ không chỉ dịu hiền, chịu thương, chịu khó mà còn rất tài năng, mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách. Họ như những bông hoa nhiều màu sắc bừng nở sau khi đã đi qua một mùa đông lạnh cóng nhiều trải nghiệm” - NTK Xuân Thu bật mí về những ẩn ý đằng sau những họa tiết hoa lá trên bộ sưu tập mới.

Chu Thu Hằng