Trồng cây rau màu, hoa... trong nhà màng là hướng đầu tư mới trong nông nghiệp được nhiều cơ sở, hộ dân đầu tư |
Hình thành tư duy làm nông nghiệp hiện đại
Theo thống kê cả nước, trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. So với nhiều địa phương trên cả nước, Thừa Thiên Huế vẫn còn thiếu những mô hình sản xuất nông nghiệp "nhàn rỗi", ít "động tay động chân".
Nguyên nhân một phần do các chương trình khuyến nông, hỗ trợ ứng dụng KH&CN nguồn lực còn hạn chế, bố trí manh mún, thiếu tập trung. Việc triển khai các mô hình ứng dụng KH&CN chưa hướng trọng tâm vào doanh nghiệp (DN) có năng lực, có quy mô. Chưa có sự tham gia tích cực của DN vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa nhà khoa học - DN - nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng DN trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Chưa có nhiều đổi mới trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào các khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến...
Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, cần có chính sách về mặt bằng tại trung tâm thành phố để xây dựng trung tâm đào tạo nhân sự, thu hút chuyên gia. Cụ thể là chính sách tài trợ đất để xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị; các chính sách hỗ trợ thủ tục hồ sơ thuận tiện trong quá trình xây dựng; kết nối, xây dựng dự án hợp tác phát triển cùng DN để phục vụ cho các nhu cầu tại địa phương.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tự chủ về công nghệ tại địa phương sẽ giúp tỉnh phát triển nhanh và vượt bậc trong công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất. Vì thế, tỉnh cần tạo điều kiện thu hút các công ty về công nghệ cao, nhất là cho nông nghiệp về đầu tư tại địa phương, phối hợp DN xây dựng trung tâm phát triển công nghệ cao ngay tại trung tâm thành phố để đào tạo, thu hút các chuyên gia khắp nơi đến để học hỏi và đóng góp thêm cho cả nông nghiệp lẫn kích cầu du lịch. Một lợi thế sẵn có là, Huế đang sở hữu các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và khu vực trong mảng Drone, AI, Metaverse.
"Thậm chí tỉnh và các ngành chức năng cần tranh thủ các nguồn lực để sớm xây dựng một trung tâm để làm điểm về mô hình nông nghiệp thông minh toàn diện với quy mô khoảng 20ha. Mô hình này sẽ gồm: khu canh tác mẫu, nghiên cứu, hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp sáng tạo; kết hợp khu nghiên cứu, chế xuất sản phẩm; địa điểm du lịch mới", ông Cung Trọng Cường gợi mở.
Trồng cây ăn quả, thực phẩm trong nhà lưới đang được nhiều cơ sở, hộ dân đầu tư |
Thu hút đầu tư
Tất nhiên để hiện thực hóa các quy hoạch, ý tưởng, điều cốt lõi là phải có nhà đầu tư và người trực tiếp sản xuất. Những năm gần đây, tỉnh đã bước đầu thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi với quy mô, diện tích phát triển và đối tượng cây trồng, vật nuôi đa dạng.
Các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh dần được định hình, từng bước tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Một số DN đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, khép kín để sản xuất cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô kinh doanh giống lâm nghiệp sử dụng công nghệ cao với công suất thiết kế hàng triệu cây con mỗi năm, đảm bảo chất lượng, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận.
Nuôi tôm cũng được một số DN, nhóm hộ ứng dụng công nghệ cao: nuôi theo hướng Globalgap, ASC, BMP, tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà bạt theo công nghệ Biofloc... với diện tích hàng trăm ha và hơn 4.000ha nuôi xen ghép nhiều đối tượng thân thiện môi trường theo phương thức quảng canh cải tiến.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là chìa khóa để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Muốn nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao là khâu đột phá, then chốt. Ngoài ra, phải thu hút nhiều DN lớn, có thực lực đầu tư vào nông nghiệp để dẫn dắt khâu sản xuất, định hướng thị trường, tạo động lực để phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đó là mục tiêu, chiến lược đặt ra để đưa nông nghiệp- nông thôn - nông dân của tỉnh phát triển bền vững.