Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện việc thực thi pháp luật, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp hoặc chưa có quy định đầy đủ; trực tiếp chỉ đạo xây dựng các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật; ưu tiên các nguồn lực đầu tư về nhân lực và kinh phí để triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Trong quá trình soạn thảo các dự án luật, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan khác để tạo sự đồng thuận; tăng cường truyền thông chính sách, tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại
Chính phủ cơ bản thống nhất với các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình, về các chính sách cụ thể: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao; cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính - ngân sách cho phát triển; hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục, đào tạo Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UNBD thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu: Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương này, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong quá trình xây dựng Luật cần rà soát chọn lọc một số giải pháp chính sách trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tránh trùng lặp với các chính sách chung áp dụng trong phạm vi cả nước, rà soát, chọn lọc các quy định có liên quan tới Thủ đô, luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật; đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua; chọn lọc những cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật này; quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô để tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng, thực thi Luật.
Các chính sách cần kế thừa, bổ sung, luật hóa những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, ưu tiên các cơ chế chính sách trọng điểm, đặc thù trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng hạ tầng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ như: cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư (trong đó có các hình thức BT, BOT...); cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông hiệu quả nhằm giảm tải, giảm áp lực về hạ tầng giao thông; huy động các nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả,...
Các chính sách cần bảo đảm yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền trong quản lý kết hợp phân bổ nguồn lực hợp lý; tổ chức bộ máy, biên chế khả thi, hiệu quả; có chính sách đột phá, thu hút được các nguồn lực, nhân tài cho sự phát triển của Thủ đô; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thanh tra, giám sát, bảo đảm sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Thủ đô.
Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở (đặc biệt là nhà ở xã hội), giao thông, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, cơ chế thu hút nhân tài; cơ chế thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cơ chế thu hút nguồn lực phát triển các lĩnh vực về: văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, môi trường...
Về mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội, Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể theo hướng tổ chức chính quyền Thành phố thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường), bổ sung chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hà Nội; tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch
Chính phủ cơ bản thống nhất với các nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá như đề xuất của Bộ Tư pháp về các chính sách: Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ, công khai, minh bạch và thống nhất; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kỹ việc thực hiện các quy định của Luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, bất cập; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thể hiện đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật này; thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như trong quản lý nhà nước về đấu giá; bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống tiêu cực, thất thoát tài sản, ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách đấu giá để thông đồng, nâng giá hoặc giảm giá tài sản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá.
Cần nghiên cứu để có cơ chế đấu giá phù hợp đối với các tài sản đặc thù như: Quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số phương tiện giao thông cơ giới, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, di sản văn hóa... nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Quá trình xây dựng chính sách, xây dựng Luật cần bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Khuyến khích người dân tham gia hoạt động phòng không nhân dân
Đối với Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ giữa phòng không nhân dân, phòng không không quân, dân quân tự vệ, phòng thủ dân sự; rà soát các luật liên quan như: Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Cảnh sát Cơ động, Luật Phòng, chống khủng bố... và các quy định pháp luật có liên quan để xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng không nhân dân để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.
Nghiên cứu các giải pháp quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, chất lượng của xây dựng luật, các chính sách cần có tính dự báo, phù hợp với tình hình mới về yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, sự phát triển của khoa học công nghệ và phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời khuyến khích được sự tham gia của người dân vào hoạt động phòng không nhân dân khi cần thiết.
Xây dựng Luật theo hướng, luật hóa các nội dung mang tính ổn định, những nội dung còn biến động thì quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể, bảo đảm linh hoạt, khả thi trong thực tiễn; tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong quản lý, thực hiện các hoạt động phòng không nhân dân, không bỏ sót, tránh trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả.
Đối với Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện dự thảo Luật về một số vấn đề: Hoàn thiện quy định lực lượng quản lý, bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của các ban, bộ, ngành trung ương theo hướng trong một số trường hợp, các ban, bộ, ngành trung ương không tổ chức được lực lượng bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của mình thì bàn giao cho Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng quân sự địa phương trực tiếp bảo vệ trong thời bình.
Quy định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác cùng với quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất công trình quốc phòng để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, bảo đảm yêu cầu về an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự; các trường hợp đặc biệt thì cần có chính sách đặc thù, đồng thời cần có công cụ kiểm soát chặt chẽ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật này.
Cần quy định linh hoạt Chương trình phát triển nhà ở cho địa phương
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu bảo đảm các yêu cầu về quy định các chính sách đối với nhà chung cư: Thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phải phá dỡ chung cư; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể, phù hợp với quy định Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng và Luật Đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Cần quy định linh hoạt Chương trình phát triển nhà ở cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính để địa phương chủ động triển khai thực hiện; quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quỹ đất xây dựng nhà ở của tỉnh, không quy định tỷ lệ diện tích đất dành cho nhà ở xã hội đối với từng dự án để linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chính phủ trong việc triển khai quyết liệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
Hoàn thiện quy định chủ đầu tư được bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và pháp luật có liên quan. Về bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, quy định trường hợp có 02 nhà đầu tư trở lên thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu, bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư.
Xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác (trừ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm) được thực hiện dự án nhà ở thương mại, phù hợp với quy hoạch khi có đủ điều kiện làm chủ đầu tư; có chính sách sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với đất thuê để phù hợp với thực tế.
Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các Luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai và các luật chuyên ngành khác với Luật Công chứng, cần sửa đổi theo hướng: Luật Nhà ở và các luật chuyên ngành khác quy định rõ các giao dịch phải công chứng, chứng thực về nhà ở, tài sản khác. Luật Công chứng quy định về trình tự, thủ tục công chứng các giao dịch đó. Rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm nội dung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thống nhất, đồng bộ với các Luật: Đầu tư, Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Xây dựng, Quản lý, sử dụng tài sản công,....
Tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản
Với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Công chứng..., phù hợp với nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững; đồng thời cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế.
Tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường, công bằng xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách hợp lý để có thể kịp thời xử lý các tình huống, khó khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện; bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản; có công cụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế khen thưởng hoặc xử lý khi có vi phạm.
Rà soát các quy định pháp luật của dự thảo Luật về: hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản... bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư...
Cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục lấy ý kiến, tham vấn đầy đủ, thực chất ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; phối hợp với các cơ quan để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng.
Thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh
Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Chính phủ yêu cầu hoàn thiện dự án Luật bảo đảm các yêu cầu: Tiếp tục đánh giá kỹ, toàn diện việc thực hiện Luật Viễn thông năm 2009, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập do quy định hiện hành; sửa đổi các quy định chưa phù hợp; bổ sung quy định để quản lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; có cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh; hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia.
Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; tăng cường phân cấp về thẩm quyền; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; sửa đổi, luật hóa các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách mới về: Dịch vụ ứng dụng Internet trong hoạt động viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây; điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng tại Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội nhập và sự thay đổi về công nghệ thông tin, viễn thông.
Kế thừa quy định của Luật hiện hành về Quỹ viễn thông công ích Việt Nam để hoàn thiện quy định của dự thảo Luật, phù hợp mục tiêu hỗ trợ các hoạt động viễn thông công ích theo quy định của Luật, có cơ chế quản lý, sử dụng, đóng góp của Quỹ bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đánh giá hiệu quả của Quỹ theo Nghị quyết số 792/NQ-UBVQH14 ngày 22/10/2019 đánh giá hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, bảo đảm việc quản lý, sử dụng Quỹ thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế trong từng giai đoạn.
Tiếp tục rà soát các luật hiện hành và các luật đang sửa đổi như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Rà soát các quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện trong Luật các nội dung có tính ổn định; giao Chính phủ quy định những nội dung có tác động bởi sự thay đổi về công nghệ và tình hình phát triển để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.