Lãnh đạo và nhân viên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tham gia trồng rừng đa loài |
Hiện nay, việc ủy thác chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đang thực hiện ở hai nhóm đối tượng là thủy điện và nước sạch. Đối với lưu vực nội tỉnh đã trực tiếp ký 15/15 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, trong đó có 13 đơn vị thủy điện và 2 đơn vị nước sạch. Ngoài ra, có thêm hai lưu vực liên tỉnh là lưu vực thủy điện Sông Côn 2 và lưu vực thủy điện Đakrông 1,2,3,4 nằm trên địa bàn tỉnh.
Việc ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR giúp việc kê khai và nộp tiền chi trả DVMTR của các cơ sở thủy điện và nước sạch được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hiện không xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài của các đơn vị sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh. Có 12 cộng đồng thôn, 38 nhóm hộ và 43 hộ gia đình, cá nhân được ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của các ban quản lý rừng phòng hộ; trong đó số lượng thành viên tham gia là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 89% (831/931 hộ gia đình, cá nhân). Qua đó góp phần QLBVR hiệu quả, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ dân sống ven rừng tham gia công tác tuần tra, canh gác, BVR.
Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh, ông Nguyễn Xuân Hiền đánh giá, phần lớn các chủ rừng sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, đúng quy định, tập trung chủ yếu chi hỗ trợ tuần tra, canh gác, BVR (chiếm hơn 65%) với mức chi phổ biến từ 150- 250 ngàn đồng/ngày công. Có những cộng đồng, nhóm hộ do khu vực rừng được nhận quản lý, bảo vệ khá xa (để tiếp cận được phải mất gần một ngày đường), địa hình đi lại khó khăn nên ngoài việc chi trả ngày công tuần tra còn phải chi mua thực phẩm, dụng cụ tuần tra rừng, dụng cụ y tế, thuê ghe đò…
Tiêu biểu có một số cộng đồng ở huyện Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới đã họp bàn, thống nhất trích tiền DVMTR để mua ghe, phục vụ cho công tác tuần tra, BVR ở khu vực lòng hồ, các tuyến sông trọng yếu. Đây là kết quả rất tích cực, cho thấy các cộng đồng, nhóm hộ đã nhận thức được mục đích đúng đắn của chính sách, sử dụng tiền DVMTR để tăng cường tuần tra, canh gác, BVR.
Mới đây, Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng), tiến tới triển khai toàn diện về DVMTR theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhà.
Để đảm bảo tính bền vững của chính sách, với sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức quốc tế, những năm qua, Quỹ BV&PTR tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ như ảnh viễn thám phục vụ công tác giám sát hiện trạng rừng; sử dụng hệ thống giám sát, đánh giá chính sách chi trả DVMTR trên nền tảng WebGIS, góp phần phục vụ hiệu quả trong công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh, cũng như minh bạch hóa và công bằng trong hoạt động chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Quỹ BV&PTR tỉnh tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát đối với các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, UBND xã. Qua kiểm tra, cho thấy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự chuyển biến tích cực, số lượng, chất lượng (năng lực, công cụ hỗ trợ) lực lượng BVR được nâng lên đáng kể; góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương tham gia nhận khoán BVR.
Tiền chi trả DVMTR được sử dụng công khai, minh bạch, các đơn vị giải ngân gần 100% qua tài khoản ngân hàng đến đối tượng nhận khoán; chi trả tiền lương cho lực lượng BVR chuyên trách, chi tiền đúng, đủ, kịp thời theo quy định, đảm bảo cho công tác QLBVR. Nhiều chủ rừng đẩy mạnh xây dựng các công trình lâm sinh, hoạt động phát triển rừng như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, làm giàu rừng, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn dựa trên dự toán được phê duyệt.
Quỹ BV&PTR tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR của các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ. Qua hai đợt đã lựa chọn ngẫu nhiên kiểm tra 44/292 cộng đồng, nhóm hộ (đạt 15%) ở 4 huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và Phú Lộc. Phần lớn các chủ rừng chủ động tổ chức, lập kế hoạch, phân công tuần tra, BVR được giao, đồng thời sử dụng có hiệu quả tiền DVMTR để chi hỗ trợ tuần tra, QLBVR như chi trả ngày công, mua sắm dụng cụ, thực phẩm, dụng cụ y tế và cho vay phát triển sinh kế hộ gia đình.
Từ năm 2014 đến nay, Quỹ BV&PTR tỉnh chi trả cho 645 chủ rừng trên địa bàn tỉnh với hơn 158,46 ngàn ha, chiếm 56% diện tích có rừng toàn tỉnh với số tiền hơn 322 tỷ đồng từ DVMTR. Trong đó, có 14 tổ chức, 5.758 là hộ gia đình, cá nhân tham gia QLBVR (có đến 66% là đồng bào dân tộc thiểu số). |