Chị Hồ Thị Len kiểm tra chất lượng ổi trước thu hoạch |
Vườn chị Hồ Thị Len ở thôn A Tia 1 (Hồng Kim) có gần 100 gốc ổi trồng phía trước lẫn sau nhà. Một mình chị lo khâu chăm sóc từ làm cỏ, tưới cây, bón phân chuồng… Năm 2021, chị bắt đầu trồng ổi với các giống ổi lê, nữ hoàng, ruby. Mỗi loại có một hương vị riêng, song chất lượng ổi khi thu hoạch đều giòn, ngọt, thơm.
Đầu mùa thu hoạch, có khi chị Len hái được 20kg mỗi lần. Cứ vài ba ngày, chị lại mang bao ra vườn hái ổi bán. Chất lượng ổi thơm ngon, an toàn nên nhiều người đến tận nhà đặt mua, chị không còn lo về đầu ra của loại trái cây này. “Trước đây mình trồng bơ, cam, chuối nhưng loại thì chết, loại thua lỗ. Tính đi tính lại cây ổi vừa đỡ tốn công chăm sóc, hợp chất đất, ít sâu bệnh, dễ thâm canh. Mình đang tính mở rộng thêm vườn ổi”, chị Len nói.
Tại xã Quảng Nhâm, vườn ổi gần 600 cây của Hợp tác xã trồng Nấm - Ổi hữu cơ Hồng Lý nằm ven đường. Chị Đặng Thị Hồng, cô giáo ở Trường THPT A Lưới, một thành viên trong nhóm trồng ổi kể: “Năm 2019, các chị em triển khai trồng giống ổi lê theo hướng hữu cơ. Vài ba ngày thu hoạch một lần từ 50-80kg. Vụ chính từ tháng 5 đến tháng 10 hái mỗi lần mười mấy bao tải song vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Người tiêu thụ ổi của HTX là dân địa phương, TP. Huế và Đà Nẵng”.
Với kiến thức sẵn có, cô Hồng tự làm phân bón cho vườn ổi. Các bao giá thể trồng nấm sau thu hoạch, vỏ chuối, rau củ thừa được gom lại lên men vi sinh làm phân. Loại phân bón này kích hoa và giúp ổi ngọt, thơm hơn...
Thu nhập từ vườn ổi giúp chị chi tiêu sinh hoạt phí trong gia đình. Bình quân mỗi tuần, vườn ổi mang lại cho chị 1,5-2 triệu đồng. Theo kinh nghiệm chị Hồng, thời gian đầu trồng cần đầu tư công sức chăm sóc, còn lại mỗi năm bón khoảng 10 lần phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng. 18 năm gắn bó với vùng đất Quảng Nhâm, cô Đặng Thị Hồng cho rằng nếu hiểu đất, điều khiển đất phù hợp với đặc điểm loại cây muốn trồng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tên tuổi “Ổi cô Hồng” rất được ưa chuộng. Một người dân cạnh vườn ổi kể: “Mọi người đều biết cách canh tác của các cô là an toàn nên mê vườn ổi này lắm. Ổi giòn, ngọt. Hơn nữa, giá cả phải chăng, mua ăn hoặc ép nước đều ngon”.
Trồng ổi chỉ tốn nhiều công sức lúc lập vườn, từ 6 tháng trở đi, cây bắt đầu cho quả. Đối tượng gây hại trên cây ổi chủ yếu là ruồi vàng đục quả, có thể khắc phục bằng cách bao trái kịp thời. Bên cạnh đó cần cắt bỏ ngọn, tỉa bớt cành tăm, cành sâu bệnh để kích thích cây cho nhiều quả đồng thời tạo độ thoáng cho vườn, giảm tiêu hao dinh dưỡng, giảm sâu bệnh.
Hiện, một số hộ dân đang áp dụng quy trình trồng ổi Vietgap, ổi hữu cơ; thậm chí thành lập HTX hướng tới tạo dựng thương hiệu cho quả ổi. Nếu biết tỉa cành, bao trái, một gốc có thể cho 150-200 quả. Với giá bán trên dưới 20.000 đồng/kg, thu hoạch quanh năm, cây ổi mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho vùng đất này.
Theo định hướng phát triển kinh tế vườn, A Lưới có khoảng 5,4ha ổi. Các địa bàn trồng chủ yếu là A Ngo, Quảng Nhâm, Hồng Kim, Hương Phong, thị trấn. Gần một nửa diện tích ổi toàn huyện được chăm sóc rất tốt. Mỗi ha thu hoạch 2 vụ chính, mỗi vụ giá trị 14 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho hay, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở A Lưới cho chất lượng ổi rất tốt, giống ổi lê và ổi nữ hoàng chất lượng, năng suất nhất, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Năm nay, nếu có đơn vị hoặc công ty bao tiêu sản phẩm, địa phương sẽ mở rộng diện tích ổi và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.