Trong bảng xếp hạng của IPU về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, Rwanda giữ vị trí hàng đầu với hơn 61% số ghế trong hạ viện do phụ nữ nắm giữ. Ảnh: iknowpolitics.org/TTXVN
Trong báo cáo, cơ quan toàn cầu chuyên thúc đẩy hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao nghị viện này cũng tiết lộ thêm rằng sự tham gia của phụ nữ chưa bao giờ đa dạng như ở nhiều quốc gia hiện nay.
Những thông tin này được đưa ra dựa trên dữ liệu từ 47 quốc gia đã tổ chức bầu cử trong năm ngoái - 2022. Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ phụ nữ chiếm số ghế trong các quốc hội đã tăng 2,3 điểm phần trăm kể từ các cuộc bầu cử gần nhất trước đó.
Mức tăng thấp nhất
Dù những thông tin này khá tích cực, nhưng IPU lưu ý rằng đây vẫn là mức tăng thấp nhất về tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong 6 năm qua. Tính đến đầu năm nay, tỷ lệ phụ nữ trong các quốc hội trên toàn cầu đang ở mức 26,5%, chỉ tăng 0,4% so với một năm trước.
Theo Tổng thư ký IPU Martin Chungong, với tốc độ này, sẽ mất đến 80 năm nữa để đạt được sự bình đẳng giới trong quốc hội.
“Hiện nay, một trong những trở ngại quan trọng nhất là sự phân biệt giới tính, quấy rối, bạo lực đối với phụ nữ mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp thế giới… Đó là một hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới và không phải là đặc hữu của bất kỳ khu vực cụ thể nào. Và chúng ta có thể hiểu rằng điều này đang ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị”, Tổng thư ký Chungong nói.
Các dữ liệu khác của IPU cho thấy xu hướng quấy rối, phân biệt giới tính và bạo lực đối với phụ nữ ngày càng phổ biến và ngày càng gia tăng, tạo ra những rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình chính trị ở quốc gia của họ.
Bà Lesia Vasylenko, Chủ tịch Văn phòng Nữ nghị sĩ của IPU, nói rằng “mỗi phụ nữ được bầu sẽ đưa các quốc hội tiến một bước gần hơn để trở nên toàn diện và tiêu biểu hơn, và thật tuyệt khi thấy sự đa dạng đang ngày càng tăng”. Tuy nhiên nhìn chung, “tiến độ vẫn còn quá chậm với một nửa dân số thế giới vẫn chưa được đại diện đầy đủ. Do đó, khắc phục điều này là một nhu cầu cấp thiết, để củng cố nền dân chủ ở khắp mọi nơi”, bà Lesia nói thêm.
Song song đó, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco cũng kêu gọi các đồng nghiệp nam trong mọi quốc hội trên toàn thế giới “hợp tác với các đồng nghiệp nữ để tiến lên phía trước và đẩy nhanh tốc độ thay đổi”. Ông nhấn mạnh rằng không thể để tiến trình bầu thêm phụ nữ vào quốc hội bị chậm lại.
Một số điểm nổi bật
Theo IPU, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng ít nhất, tiến bộ cũng đang diễn ra. Brazil chứng kiến con số kỷ lục 4.829 phụ nữ tự nhận mình là người da đen ra tranh cử trong tổng số gần 27.000 ứng cử viên tổng thể.
Tại Mỹ, con số kỷ lục là 263 phụ nữ da màu đã tham gia Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội. Và các đại diện cộng đồng LGBTQI+ ở Colombia đã tăng gấp ba lần, từ 2 lên 6 thành viên trong Quốc hội nước này.
Trong khi đó ở Pháp, 32 nữ ứng cử viên thuộc các nhóm thiểu số đã được bầu vào Quốc hội mới, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay là 5,8% trên tổng số.
Báo cáo của IPU cũng cho thấy hiện có 6 quốc gia trên toàn thế giới có sự bình đẳng giới trong quốc hội, thậm chí tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội cao hơn nam giới, tăng từ 3 quốc gia vào năm 2020, bao gồm Cuba, Mexico, Nicaragua, Rwanda, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và mới đây nhất là New Zealand - những quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng IPU về tỷ lệ thành viên nữ trong quốc hội.
Tuy nhiên, tiến bộ này không diễn ra đồng đều trên toàn cầu. Trong khi nhiều quốc gia, chẳng hạn như Cabo Verde và Peru, đã ghi nhận tiến bộ, thì những quốc gia khác, như Algeria, lại chứng kiến sự thụt lùi. Ở một số nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Tonga, tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội vẫn còn thấp.
Theo phân tích của IPU, hạn ngạch là một trong những yếu tố thành công quan trọng nhất trong việc tăng tỷ lệ đại diện của phụ nữ. Nhưng chỉ riêng hạn ngạch là không đủ để thúc đẩy tăng sự hiện diện nhiều hơn của phụ nữ. Báo cáo của IPU nhấn mạnh rằng điều quan trọng không kém là phải có các quy tắc rõ ràng, được soạn thảo tốt với các cơ chế thực thi phù hợp để thúc đẩy sự bình đẳng giới.