Các ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay |
Giảm lãi suất cho vay
Sau “cảnh báo” của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động và thanh khoản hệ thống, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán mặt bằng lãi suất hiện đã giảm từ 2 đến 3%. Còn so với tháng 1/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 0,5-1%/năm. Cùng với xu hướng giảm lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay cũng có xu hướng hạ nhiệt.
Hiện, các ngân hàng đồng loạt triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi cho khách hàng, đồng thời giảm lãi suất cho vay với các dư nợ hiện hữu nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong đó, ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho vay cho từng đối tượng khách hàng cụ thể phải kể đến Agribank. Mới đây, ngân hàng này đã quyết định giảm lãi vay tối đa 3%/năm cho các khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản gặp khó khăn tại thời điểm ngày 31/1 và thời gian áp dụng lãi suất này sẽ kéo dài đến hết 31/12/2024.
Ngoài ra, Agribank cũng dành hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2023 để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất, nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Cùng với Agribank, các ngân hàng thương mại khác cũng đã triển khai các chương trình cho vay với ưu đãi từ rất sớm. Vietcombank trước đó giảm lãi suất cho cá nhân kinh doanh xuống còn từ 7,3 - 8,8%/năm cho khoản vay mới trong gói 100.000 tỷ đồng; với những khoản vay cũ, ngân hàng này áp dụng mức giảm lãi 0,5%/năm. VietinBank cũng dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2023 vay với lãi suất từ 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Giảm lãi suất cho vay sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp |
Giám sát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chưa bàn đến hiệu lực cũng như khả năng tiếp cận tín dụng đối với những chương trình ưu đãi lãi suất này, nhiều khách hàng kỳ vọng khi những gói vay vốn ưu đãi đi vào thực tế sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân, nhất là đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Bởi theo mặt bằng lãi suất hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải trả lãi suất cao từ 10 đến 11%/năm với kỳ hạn 6 tháng, với các khoản vay trên 12 tháng sẽ duy trì ở mức 11-12%/ năm; thậm chí cao hơn với các khoản vay trung và dài hạn. Trong khi đó, trước áp lực về chi phí quản lý, nguyên liệu đầu vào… tăng như hiện nay, nếu lãi suất ở mức trên 10% là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí đặt doanh nghiệp ở ngưỡng cửa “làm chỉ để trả nợ”.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc giảm lãi suất là cần thiết giúp thị trường vốn lưu thông hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn rẻ hơn để tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với các chương trình hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cũng cần linh động hơn trong đơn giản hóa các thủ tục cho vay cũng như tránh được tình trạng cho vay “bia kèm lạc” như nhiều thông tin phản ánh từ trước đến nay.
Và để các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp đi vào đời sống, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đơn vị dự kiến sẽ phối hợp với một số sở, ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vào giữa tháng 3/2023.
Để hội nghị được tổ chức hiệu quả và có kết quả thực chất nhất, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Doanh nhân nữ tỉnh, Câu lạc bộ FDI Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ CEO Huế nắm bắt thông tin các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên liên quan đến việc tiếp cận vốn ngân hàng. Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các ngân hàng trên địa bàn sẽ trực tiếp trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan đến các khó khăn, khơi thông vướng mắc trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thời gian tới.