Học sinh tham gia tư vấn hướng nghiệp |
Trong chương trình giáo dục phổ thông cũ, giáo viên thực hiện các tiết dạy hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ lên lớp, song nặng tính hình thức và ít hiệu quả. Không sai khi nói ra điều này, bởi suốt thời gian dài, các em chỉ được tư vấn nghề nghiệp qua giáo viên chủ nhiệm, mà chính họ đôi lúc cũng thừa nhận, vừa hướng nghiệp, vừa run... khi thực sự chưa có kinh nghiệm, kỹ năng và sự hiểu biết nhất định trong quá trình tư vấn. Chính chương trình không thực tế, không sâu khiến cho học sinh cảm thấy mơ hồ, không hứng thú ngay cả khi định hướng nghề nghiệp cho chính mình.
Không ít người vẫn nghĩ rằng, hướng nghiệp là chỉ cho ai đó chọn một nghề nghiệp hoặc một trường đại học có những ngành nghề đang “hot”. Điều này cũng phản ánh tâm lý số đông khi học sinh thường lựa chọn ngành học, nghề nghiệp theo cảm tính và theo phong trào nên dẫn đến việc chọn lựa không phù hợp. Có thời, các em đều có xu hướng học đại học như một hướng đầu tư vào tương lai của mình. Lỗi một phần do hướng nghiệp chưa thấu đáo.
Trải nghiệm trở thành hoạt động chính trong chương trình hướng nghiệp. Học sinh được đến các làng nghề truyền thống, các khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp... được “mắt thấy, tai nghe” để hình dung tổng thể về sự phát triển cũng như biến đổi của những ngành nghề trên địa bàn. Suy cho cùng, hướng nghiệp cho học sinh THPT cần phải được bắt đầu sớm và tốt nhất là qua trải nghiệm. Có như vậy, các em mới phát triển phẩm chất, năng lực cần thiết, nhận ra điểm mạnh của bản thân để từ đó lựa chọn, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau này.
Chương trình giáo dục phổ thông mới, có hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) đã làm được điều này. Cụ thể, hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Các chủ đề trong sách giáo khoa được thiết kế nhằm mục đích giúp học sinh phát triển các phẩm chất tốt đẹp, từng bước hình thành các năng lực thích ứng với cuộc sống và định hướng nghề nghiệp. Có thể xem đây là một làn gió mới góp phần tích cực thay đổi giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, tiến bộ.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Thừa Thiên Huế đang cần và thiếu một lượng lớn nguồn nhân lực công nghệ thông tin, cụ thể là năm 2025 cần khoảng 10.000 nhân lực. Vì vậy, trong định hướng nghề nghiệp, ngành giáo dục ưu tiên khuyến khích các em chọn ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, trong định hướng phát kinh tế - xã hội và khả năng tiềm tàng vốn có của Thừa Thiên Huế về quần thể di tích, cảnh quan môi trường, hệ sinh thái đầm phá… nên khối ngành nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ẩm thực cũng được quan tâm trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trong điều kiện hiện nay, không phải trường nào cũng thực hiện những chuyến trải nghiệm nếu không có sự phối hợp tổ chức chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Lo hơn, nếu không tổ chức bài bản sẽ dẫn đến áp lực lên giáo viên và học sinh vì tốn nhiều thời gian, tiền bạc rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn hướng nghiệp theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa" .