leftcenterrightdel
 Đề cương về văn hóa năm 1943 như một ngọn đuốc, nền tảng để soi đường cho cả dân tộc chúng ta đi lên. Ảnh: Tư liệu
 

Để thực hiện Cách mạng văn hóa, bản đề cương cũng đã xác định các nhiệm vụ “cần kíp” mà "Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết" là một trong những nhiệm vụ đó. Mặc dù được xác định là “trước mắt”, song công việc "Tranh đấu về tiếng nói và chữ viết" trên nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng mà Đề cương văn hóa Việt Nam vạch ra có ý nghĩa thời đại, xuyên suốt trong tiến trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách ngôn ngữ nói chung, chính sách bảo tồn và và phát huy tiếng nói và và chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, trong đó bao gồm các DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước năm 1975, thực chủ trương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của các DTTS và xây dựng chữ viết cho các dân tộc chưa có chữ viết, tiếng Katu, Pakoh, Taoih đã được các nhà ngôn ngữ học phiên âm theo bộ chữ cái La tinh. Theo đó, chữ viết của các tộc người này đã ra đời và 5.000 người đồng bào cùng cán bộ địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia học chữ dưới sự hướng dẫn giảng dạy của 117 giáo viên.

Sau năm 1975, thực hiện Hiến pháp và Pháp luật, nhất là Quyết định số 53/CP ngày 22/2/1980 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về  công tác bảo tồn và phát huy tiếng chữ viết của các DTTS, vào năm 1986, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã cộng tác với Viện Ngôn ngữ để biên soạn sách học tiếng Pakoh, Taoih và Bru -Vân Kiều. Đến năm 2002, Sở Giáo dục và Đạo tạo Thừa Thiên Huế tiếp tục biên soạn giáo trình hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng DTTS lớp 1, 2, 3. Đây là những tài liệu quan trọng dùng để dạy tiếng DTTS cho giáo viên và học sinh tiểu học, cán bộ làm việc trong các cơ quan, ban ngành (công an, lực lượng vũ trang, quân sự, y tế) thuộc vùng DTTS dưới sự chỉ đạo và phối hợp trực tiếp của Ban dân tộc và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Từ cuối năm 2012, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai Kế hoạch điều tra, khảo sát và đối chiếu tiếng nói, chữ viết của người DTTS để xác định hai bộ chữ tiếng dân tộc Pakoh - Taoih và Katu. Trên cơ sở kết quả của cuộc khảo sát này, Quyết định số 1727/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận các tài liệu chính thức được đưa vào giảng dạy và học tiếng Pacoh - Taoih và Katu cho học sinh người DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh từ năm 2014.

Với sự tài trợ 4 tỷ đồng của Tổ chức FARO AS (Na Uy) thông qua dự án  “Thí điểm phát triển ngôn ngữ viết Katu lớp 4, lớp 5 và ngôn ngữ viết Pa Kô, Taoih lớp 1,2,3 cho học sinh tiểu học”, trong 5 năm (2017 - 2022), 190 học sinh tiểu học người DTTS thuộc hai huyện Nam Đông và A Lưới tham gia dự án này vừa được học tiếng nói và chữ viết phổ thông, vừa được học chữ viết của chính dân tộc mình. Ngoài ra, các địa phương có DTTS cũng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sử dụng tiếng nói, chữ viết các DTTS trong công tác thông tin, tuyên truyền, in và phát hành các loại văn hóa phẩm, Đài Phát thanh, Đài truyền hình, thuyết minh phim và các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Song song với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS.

Với 34.976 người Taoih, 16.719 người Katu và 1.389 người Bru - Vân Kiều chiếm 4,7% dân số toàn tỉnh (2019), đồng bào các DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng xuyên suốt cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Các chủ trương, đường lối chung của Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào. Trong đó, chính sách về tiếng nói và chữ viết có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo bồi dưỡng con người và đặc biệt, là góp phần chuyển tải, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển bền vững của đất nước.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa với sự bùng nổ thông tin và công nghệ hiện nay, tiếng nói và chữ viết của các DTTS đang đứng trước nhiều thách thức mới, đó là: sự biến dạng, lai tạp bởi sự du nhập của các yếu tố ngôn ngữ mới; sự mất dần các phương ngữ do giao lưu vùng miền; sự thu hẹp phạm vi sử dụng của tiếng nói các DTTS... Công cuộc "Tranh đấu về tiếng nói và chữ viết" đòi hỏi những nhiệm vụ  mới cần phải giải quyết mà nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng do đề cương văn hóa đặt ra chính là những kim chỉ nam cần được vận dụng một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn.

NGUYÊN NINH