Để làm tốt bài thi môn địa lý năm nay, các thí sinh cần lưu ý những điểm sau: Trước hết phải nắm kiến thức cơ bản của từng bài. Nắm kiến thức cơ bản ở đây không phải là học thuộc nhưng phải nắm chắc vì mỗi bài có một kiến thức cơ bản riêng, nếu không nắm chắc những kiến thức này thí sinh sẽ bị nhầm lẫn kiến thức nội dung của bài này với nội dung của bài kia. Mọi năm, tôi đi chấm thi thấy một số em đọc không kỹ đề dẫn đến lạc đề, nhầm lẫn kiến thức giữa các bài.

Lưu ý thứ hai là các em cần hệ thống hoá kiến thức theo chủ đề, theo từng nhóm kỹ năng. Ví dụ kỹ năng biểu đồ, kỹ năng bản đồ, kỹ năng làm việc với Atlas Việt Nam,...
Lưu ý tiếp theo là trong vấn đề cập nhật số liệu, nếu các em có kiến thức thực tế và cập nhập số liệu mới thì tốt nhưng phải ghi rõ nguồn; nếu không có số liệu mới, các en cứ bám sách giáo khoa, theo đúng cập nhật những số liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra chứ không được tuỳ tiện đưa số liệu không rõ nguồn.
“Để rèn kỹ năng biểu đồ, các em phải tìm thêm sách để rèn hoặc lên mạng tìm kiếm theo cụm từ khóa: “Kỹ năng vẽ các loại biểu đồ trong bài thi môn địa lý”. Trên mạng có nhiều tài liệu hướng dẫn cách vẽ biểu đồ, kỹ năng làm việc với Atlas do các giáo viên dạy địa lý cấp 3 trên toàn quốc viết khá kỹ và hay. Các em hoàn toàn có thể tin tưởng để tải về xem và rèn kỹ năng biểu đồ từ nguồn tài liệu đó, nếu không có sách”.
ThS.Trần Thị Tuyết Mai
Một điểm cần lưu ý nữa là từ một số đề thi thử và minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có câu hỏi để học sinh vận dụng kiến thức đã học và kiến thức thực tế. Ví dụ với câu hỏi về tác hại của bão và cách phòng chống, các em phải biết mùa bão, vùng hay chịu ảnh hưởng của bão, những thiệt hại hằng năm do bão gây ra - những kiến thức này có được từ những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và bài học trên lớp, tức là phải biết kết hợp giữa hiểu biết thực tế và bài học thì sẽ có câu trả lời tốt nhất.
Đề thi thử cũng có câu làm việc với Atlas Việt Nam nên các em phải chú trọng kỹ năng này. Trên lớp, các thầy cô đã rèn luyện kỹ năng này nhưng các em phải xem mình còn thiếu và yếu ở chỗ nào để rèn lại và sử dụng kỹ năng này tốt nhất vào quá trình làm bài thi.
Những năm trước, câu kỹ năng biểu đồ yêu cầu học sinh phải chọn biểu đồ phù hợp. Điều này đòi hỏi học sinh mất thời gian suy nghĩ lựa chọn và nếu mất bình tĩnh, sẽ chọn sai. Năm nay, đề thi không để học sinh phải phán đoán nữa mà yêu cầu học sinh vẽ hẳn biểu đồ cụ thể nào đó. Do vậy, các em sẽ không mất thời gian lựa chọn nhưng điều này không có nghĩa là các em không cần học vì mỗi biểu đồ có cách xây dựng và yêu cầu riêng. Các kỹ năng về biểu đồ nếu không rèn luyện sẽ bị nhầm lẫn. Điểm thí sinh hay nhầm lẫn nhất là phân chia giữa các cột biểu đồ, cái sai hay vấp nhất là phân chia đơn vị tính toán, các yêu cầu về chú giải. Do vậy phải rèn về nhận xét biểu đồ. Đây là những lưu ý trong câu biểu đồ cần phải nhớ.
 
 
Câu thứ ba của đề, cần lưu ý sự so sánh, phân tích, giải thích... tức yêu cầu có phần cao hơn các năm trước, do đó phải nắm kiến thức để biết cách so sánh, giải thích sao cho thuyết phục.
Lưu ý cuối cùng là đừng tập trung phân tích dài quá một ý vì trong câu trả lời gồm nhiều ý, nếu mất thời gian vào một ý thì điểm không tăng lên. Do đó vấn đề là phải đủ ý nhưng không có nghĩa là trình bày cộc lốc mà phải giải thích thêm, tuy nhiên không nên tràn lan quá để tránh mất thời gian.
Tôi cũng muốn lưu ý các em nên làm nháp, vạch ra những ý chính ra nháp để xem đã đầy đủ các ý chưa? Tôi đi coi thi thấy nhiều em thi văn, sử, địa, ít làm nháp. Đó là sai lầm vì không làm nháp dễ bị sót ý, dẫn đến mất điểm.
Ngọc Hà (thực hiện)