leftcenterrightdel

Hoa giấy nghệ thuật Maypaperflower

Chưa phát triển

Thừa Thiên Huế là nơi có nhiều sản phẩm truyền thống địa phương. Từng là Kinh đô, Huế có nhiều sản phẩm liên quan đến văn hóa, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân, như: nón lá, vải vóc, quần áo, mỹ phẩm; các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như trà, thảo dược gia truyền; các sản phẩm nghề truyền thống, như đan lát, đúc đồng, điêu khắc…

Nhiều sản phẩm ngày càng khẳng định thương hiệu, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít sản phẩm làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị mai một khi người gìn giữ nghề gia truyền không đủ sống bằng nghề.

Một nghệ nhân đúc đồng ở phường Đúc chia sẻ, dù là nghề truyền thống nổi tiếng của Huế nhưng nghề đúc đồng hiện nay chậm phát triển, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Các cơ sở sản xuất hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nhân lực. Do công nghệ lạc hậu, nhiều cơ sở đúc đồng chưa chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm, sản phẩm đơn điệu, chủ yếu làm theo đặt hàng.

Theo nghệ nhân pháp lam Đỗ Hữu Triết, vốn, thị trường và công nghệ là ba yếu tố quyết định sự phát triển của sản phẩm làng nghề truyền thống. Đây là điểm yếu của các sản phẩm truyền thống ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Sản phẩm chưa đa dạng, công nghệ chưa thể sản xuất hàng loạt, nên nhiều sản phẩm chưa thể cạnh tranh nổi so với sản phẩm của các tỉnh, thành khác.

Thứ nữa, những người nắm giữ nghề gia truyền dù có sản phẩm tốt nhưng vẫn đang lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Họ chưa cập nhật được phương thức mới của những sản phẩm hiện đại và gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm truyền thống, nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp từ chính gia đình, làng quê của mình. Họ khai thác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thực sự, biến những sản phẩm truyền thống thành sản phẩm hoàn toàn mới để phục vụ cho phân khúc khách hàng mới. Chẳng hạn, hoa giấy nghệ thuật Maypaperflower là sản phẩm có nguồn gốc và cảm hứng từ làng hoa giấy Thanh Tiên. Bánh ép Thuận An nức tiếng trước đây chỉ bán tại chỗ thì nay chuyển sang hình thức ép khô và bán khắp cả nước. Từ cỏ bàng Phò Trạch, sản phẩm cỏ bàng xứ Huế Marie’s được thay đổi mẫu mã bắt mắt, “khoác thêm áo mới” bằng công đoạn vẽ màu acrylic, tạo điểm nhấn độc đáo cho sản phẩm…

Với vai trò là đơn vị hỗ trợ, ươm tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai đồng hành cùng các đơn vị khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm truyền thống, thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương. Ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, sau khi có khảo sát về hoạt động của các đơn vị và làng nghề truyền thống địa phương, trung tâm đặt ra nhiệm vụ phải giúp các sản phẩm truyền thống xây dựng năng lực, khôi phục thương hiệu, thúc đẩy phát triển sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tiêu thụ.

Thông qua Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ, trung tâm đã đề xuất nhiệm vụ thực hiện từ Đề án 844 giúp cho các sản phẩm truyền thống nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đề án này, chương trình “Thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương” được triển khai trong năm 2023 sẽ đồng hành cùng các đơn vị khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh. Chương trình nhận đơn đăng ký tham gia của các doanh nghiệp, dự án trong quý I và triển khai các hoạt động cụ thể đến quý IV năm nay.

Các hộ kinh doanh ở các làng nghề được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu và thị trường đầu ra, kết nối thêm với các đối tác, chuyên gia để đổi mới sáng tạo sản phẩm. Một nhóm khác được hỗ trợ gồm những bạn trẻ khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống. Chương trình tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thị trường đầu ra linh hoạt và bền vững cho các sản phẩm truyền thống; thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất cho nhóm sản phẩm này, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Cao Quốc Hải, các giải pháp được đưa ra trong nhiệm vụ này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm và thương hiệu, mà còn giúp các sản phẩm tiếp cận hiệu quả các công cụ số với mục tiêu xây dựng thị trường đầu ra lớn hơn và linh hoạt hơn. Từ đó, hỗ trợ và thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững cho các sản phẩm truyền thống.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ giúp tối thiểu 10 doanh nghiệp, dự án hoàn thiện được bộ nhận diện thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả công tác quản trị, gia tăng giá trị nhờ đổi mới sáng tạo và phát triển mô hình công ty theo hướng đổi mới sáng tạo. Trong đó, có ít nhất 5 doanh nghiệp, dự án sẽ bán hàng trên sàn thương mại điện tử, ít nhất 1 doanh nghiệp, dự án sẽ gọi được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư hợp tác với trung tâm”, ông Hải nói.

Bài, ảnh: Minh Hiền