Các em học sinh thích thú với trải nghiệm in và vẽ tranh truyền thống |
Đến với triển lãm “Sắc Xuân” tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền vừa qua, công chúng và du khách được chiêm ngưỡng một bộ sưu tập hơn 100 bức tranh dân gian Việt Nam với 4 dòng tranh đặc sắc: Đông Hồ, Làng Sình, Hàng Trống, Kim Hoàng - là những dòng tranh mang sắc thái thẩm mỹ riêng biệt của nông thôn Việt Nam, đã đi vào tiềm thức của người dân.
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng yêu mến các dòng tranh dân gian với nhiều cảm xúc qua những bức tranh thân thuộc, đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam, truyền tải những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Các dòng tranh trên được thể hiện qua nét khắc, vẽ tài hoa của người nghệ nhân với nội dung phong phú, đa dạng, màu sắc tự nhiên rực rỡ mang tính nghệ thuật cao, truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đưa nhiều hàm ý trong mỗi bức tranh đến với những người yêu nghệ thuật.
Ở triển lãm, người xem có thể bắt gặp cặp tranh "Tiến Tài, Tiến Lộc" treo ngoài cổng như các vị thần hộ mệnh, xua đuổi tà khí, nghênh đón tài lành phúc ấm; cũng có thể là cặp tranh “Vinh hoa”, “Phú quý” tượng trưng cho điềm phúc của năm mới; bộ tranh tứ quý thể hiện sự vận hành của thời gian trong một năm với 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Các hình ảnh trong từng bức tranh không chỉ biểu trưng cho mùa mà còn là những biểu tượng cát tường trong triết học phương Đông như hoa mai, hoa hồng, hoa sen, hoa cúc, chim khổng tước, gà, hươu... với hy vọng mang lại những điềm phúc trong suốt 4 mùa; hoặc bức “Lý ngư vọng nguyệt” biểu thị cho nghị lực vươn lên trong cuộc sống và ước nguyện vượt vũ môn hoá rồng.
Tranh không chỉ đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ và tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn ẩn chứa, đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế chia sẻ, ngày nay những làng nghề tranh dân gian không còn được phát triển như trước đây. Tuy nhiên, những tác phẩm tranh dân gian Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao và được coi là đặc trưng nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ và bảo tồn. Do đó, công tác trưng bày triển lãm tranh dân gian được tăng cường và chú trọng nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tôn vinh làng nghề truyền thống.
"Triển lãm là một sự kiện rất ý nghĩa góp phần quan trọng bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Huế mong muốn đưa công chúng đi đến tận cùng của truyền thống, trở về những ngày của hội họa dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý nét đẹp vang bóng một thời. Sau khi đã có cái nhìn cụ thể thì mọi người sẽ cùng nhau gìn giữ, lan toả nghệ thuật truyền thống trên chặng đường phát triển", bà Đinh Thị Hoài Trai cho biết.
Bên cạnh trưng bày giới thiệu tranh dân gian, các hoạt động giáo dục mỹ thuật có tính thực nghiệm cho đối tượng chính là các em học sinh và những người yêu thích nghệ thuật dân gian. Em Nguyễn Thị Như Ý, đến từ Trường Nguyễn Chí Thanh cho biết, người tham dự được tìm hiểu về ý nghĩa của các bức tranh, sự khác và giống nhau giữa các dòng tranh; trực tiếp được hướng dẫn in tranh dân gian, vẽ tranh dân gian. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa các thế hệ xưa và nay, làm cho chúng em hứng thú tìm hiểu về văn hóa, truyền thống dân tộc thông qua những bộ tranh dân gian mà cha ông để lại.
Triển lãm thật sự trở thành ngày hội về thẩm mỹ, sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân kiến tạo nên không gian thẩm mỹ của 4 dòng tranh dân gian với nét đẹp giản dị, chân chất nhưng hàm đựng đầy đủ ý nghĩa nhân văn, có giá trị giáo dục truyền thống. Qua đó, để công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn về các phong tục, tập quán cũng như sinh hoạt hằng ngày của người xưa thông qua giá trị, ý nghĩa của các dòng tranh dân gian, tôn vinh làng nghề truyền thống. Từ đó, chung sức góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa do ông cha để lại.