leftcenterrightdel

Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác Thái Lan

Gia tăng hợp tác

Cuối tháng 2/2023, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế tổ chức ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Nakhon Ratchasima Rajabhat, Thái Lan (NRRU). Nhiều nội dung được hai bên thỏa thuận, nổi bật là trao đổi sinh viên, giáo viên, học thuật và đồng tổ chức hội nghị, hội thảo, các chương trình giao lưu văn hóa... “Dự kiến, hoạt động hợp tác ban đầu sẽ được triển khai thời gian tới là gửi sinh viên của nhà trường sang NRRU thực tập giảng dạy tiếng Anh hoặc tiếng Việt”, TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, Trường ĐH Ngoại ngữ đã đón đến 11 đoàn khách quốc tế đến làm việc. Việc thiết lập quan hệ hợp tác với NRRU cùng nhiều đối tác tạo thêm cơ hội cho sinh viên được ra nước ngoài thực tập và trải nghiệm văn hóa nói riêng, cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế để phục vụ hoạt động đào tạo.

Trên thực tế, các HTQT song phương, đa phương ở các đơn vị đào tạo ĐH tại Huế đang được triển khai rất mạnh. TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, ĐH Huế cho biết, sau những ảnh hưởng và gián đoạn do dịch COVID-19, từ năm 2022, hoạt động HTQT ở ĐH Huế sôi động trở lại. ĐH Huế tái khởi động và triển khai các dự án, trong đó có nhiều đoàn đối tác từ Bồ Đào Nha, Pháp, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu… Trên lĩnh vực hợp tác triển khai các dự án và hợp tác trong đào tạo đều được triển khai sâu rộng.

Mới đây, lãnh đạo ĐH Huế đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Hội đồng Anh tại Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ Anh dựa trên mối quan hệ có tính lịch sử từ những năm 2012, 2013 thông qua các dự án đào tạo giảng viên ngoại ngữ, đảm bảo chất lượng, liên kết đào tạo và bình đẳng giới.

Cuối tháng 12/2022, ông Conor Finn, Phó Đại sứ Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam cùng đoàn công tác của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam cũng đã thăm và làm việc với ĐH Huế. Các hướng hợp tác mới được trao đổi, trong đó có hỗ trợ giúp ĐH Huế nâng cao năng lực và xây dựng các chương trình liên kết đào tạo mới; hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo thí điểm: Hóa phân tích, truyền thông đa phương tiện, quản trị du lịch, cử nhân kinh doanh quốc tế…

Theo TS. Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế, thông qua việc tham gia các triển lãm mỹ thuật chuyên đề, các hoạt động trao đổi nghiên cứu văn hóa với cả hình thức online và trực tiếp, hoạt động HTQT mở ra nhiều triển vọng. “Vừa qua, nhà trường đã đón tiếp thầy Matsumura Shin đến từ ĐH Kyoto Seika (Nhật Bản), bước đầu tạo nền móng cho dự thảo ghi nhớ giữa Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế với ĐH Kyoto Seika”, TS. Chung thông tin.

Nắm bắt cơ hội

Sự gia tăng các hoạt động HTQT không chỉ mang lại việc nâng cao chất lượng đào tạo hay nghiên cứu của trường ĐH, mà còn giúp các trường tạo sức bật để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu xã hội ngày càng thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong thời đại 4.0.

Theo các chuyên gia giáo dục, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan. Việt Nam cũng đã hòa nhập vào xu hướng quốc tế hóa đó với việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động chung toàn cầu, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay mở cửa thị trường ASEAN. Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhanh với hình thức đa dạng là đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi cơ sở giáo dục. Cùng với sự vận động phát triển nội lực của mỗi trường ĐH, xu hướng quốc tế hóa trong giáo dục cũng đang trở thành mũi nhọn của các trường ĐH trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế nhấn mạnh, ĐH Huế rất chú trọng tìm kiếm cơ hội hợp tác, thiết lập mối quan hệ với các đối tác trên cơ sở hài hòa các lợi ích để phát triển chất lượng giáo dục và đào tạo. Đó cũng là một trong những giải pháp để nâng cao uy tín của ĐH Huế trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong các dự án của ERASMUS+, ĐH Huế có tham gia với vai trò chủ trì và điều phối, điển hình như là dự án “Phát triển Chương trình đào tạo Thạc sĩ về Luật và Chính sách Biến đổi khí hậu - CCP-Law” từ đó lan toả vai trò, vị thế của ĐH Huế.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để HTQT trở thành “chìa khóa” mở cơ hội kéo gần khoảng cách giữa các cơ sở giáo dục trong nước và các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới. ĐH Huế và các trường cần biết nắm bắt cơ hội HTQT để cọ xát, cạnh tranh, tự đánh giá năng lực của mình và có động lực phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ. Trong đó, ngoài việc duy trì và phát triển các chương trình liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế, ký kết hợp tác với nhiều đối tác trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, cần tranh thủ mối quan hệ, xu hướng hợp tác mới để thúc đẩy tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ về các dự án, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC