Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: TTXVN |
1. Phản biện xã hội (PBXH) nói lên sự phản hồi của người dân đối với các vấn đề chính trị, xã hội và những vấn đề liên quan khác. Khi Đảng, Nhà nước chuẩn bị đưa ra các đường lối, chủ trương, chính sách có tính quan trọng thường đưa ra diễn đàn lấy ý kiến của cán bộ, Nhân dân tham gia vào những nội dung cần thiết. Mục đích của PBXH là tạo ra diễn đàn dân chủ, thúc đẩy sự đồng thuận trong xã hội, sự nhất trí của người dân với những vấn đề mới hoặc chưa có tiền lệ.
Gần đây, lợi dụng chủ trương góp ý dự thảo Luật Đất đai đã xuất hiện một số trang web, bloge tham gia “góp ý” theo ý đồ kích động, gây nhiễu. Chúng đưa ra nội dung phủ định những định hướng lớn của Luật Đất đai để hướng lái, làm cho người dân hiểu sai về “độc quyền sở hữu” của Nhà nước. Cho rằng góp ý là hình thức mị dân, “giới chóp bu” không muốn thay đổi “chủ thể sở hữu” để dễ bề “chiếm hữu”, đầu cơ, tham nhũng, dành lợi ích cho “sân sau”; sửa luật như “đẽo cày giữa đường”, “càng sửa càng mù mờ”, càng dễ thao túng, làm “sân chơi” cho giới chủ bất động sản đứng sau quan chức… Nguy hiểm hơn, một số đối tượng vì động cơ chính trị lại lợi dụng danh nghĩa phản biện để gieo rắc thù hận, chia rẽ thượng tầng và đoàn kết toàn dân tộc.
Thông thường, lợi dụng vào các dịp chuẩn bị Đại hội Đảng, các sự kiện lớn của đất nước những kẻ chống đối lợi dụng các diễn đàn đưa ra những luồng thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chỉ trích về những hạn chế, yếu kém, phủ nhận thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi dụng một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, bị xử lý để kích động, tập hợp phần tử bất mãn, hình thành “phe nhóm”, tập hợp lực lượng để đưa ra những quan điểm trái chiều.
Nguy hiểm hơn, một số vì tư tưởng hẹp hòi, động cơ chính trị, lợi dụng danh nghĩa phản biện để tung ra những thông tin nhạy cảm, lấy “râu ông nọ chắp cằm bà kia” nhằm tạo ra sự hoài nghi, gieo rắc mâu thuẫn, thù hận trong Nhân dân. Những cán bộ bất mãn, thoái hóa, biến chất lợi dụng phản biện để đưa lên mạng xã hội những thông tin lệch lạc, trái ngược, vu khống cơ quan, tổ chức và đồng chí, đồng đội, gây hoài nghi trong dư luận, tạo phản ứng trong dân chúng. Đáng tiếc là một số người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin đã vô tình nghe theo, dễ mắc vào “bẫy” dưới danh nghĩa góp ý, phản biện. Từ bất mãn, chống đối biến “phản biện”, “góp ý” trở thành diễn đàn công khai hình thành ý thức phản kháng chống lại chế độ, phản bội Nhân dân của những tổ chức và cá nhân phản động.
2. Thực tế cho thấy, đa số ý kiến phản biện của cán bộ và nhân dân đã được Đảng, Nhà nước trân trọng tiếp thu, tạo thuận lợi để “Dân biết, dân bàn…”. Khuyến khích các diễn đàn phản biện với ý thức trách nhiệm cao, tinh thần khoa học, để đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho sự phát triển của đất nước; động viên toàn dân tham gia phản biện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Nhà nước tạo cơ sở pháp lý cần thiết để mọi thành viên trong xã hội đều có thể tham gia ý kiến trước những quyết sách quan trọng. Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng phản biện chuyển thành “diễn đàn” công khai chống đối, cần công khai, minh bạch các thông tin, nhất là về những chủ trương, chính sách liên quan các vấn đề nhạy cảm hoặc bức xúc của người dân. Những hành vi mang danh phản biện để đi ngược lại lợi ích của đất nước, của Nhân dân, lợi dụng phản biện để gây nhiễu loạn xã hội là vi phạm pháp luật cần có chế tài xử lý nghiêm.
Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường quản lý nội bộ, kịp thời đấu tranh và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, phát hiện, ngăn chặn những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng phản biện để tung tin tuyên truyền xuyên tạc. Làm cho mọi người chủ động nhận định đánh giá đúng thông tin, từ đó nâng cao cảnh giác phản bác những sai lệch; tránh tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp người dân thận trọng, không để trở thành những “cái loa”, tiếp tay cho kẻ xấu. Đã đến lúc phải xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện phản biện, đóng góp ý kiến một cách nghiêm túc, đảm bảo công bằng, bình đẳng của người dân trong góp ý, phản biện. Thông tin về những chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án có liên quan đến các vấn đề bức xúc, nhạy cảm phải được tuyên truyền, mở rộng cho mọi người dân được tiếp cận. Càng mở rộng dân chủ, kết nối thông tin đầy đủ đến với người dân thì càng có điều kiện phòng, chống kẻ xấu đưa ra thông tin độc hại, làm cho thông tin chính thống giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng dư luận.