Điểm thu mua có lắp đặt trạm cân của HTX Hương Phú, Nam Đông |
Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Nam Đông hiện có 4 điểm thu mua keo tràm có lắp trạm cân tải trọng đang hoạt động gồm Công ty TNHH Viên nén Renen, Hợp tác xã Hương Phú, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Chức và hộ kinh doanh Trương Khàn.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều năm nay, hoạt động thu mua, xay dăm gỗ và vận chuyển keo tràm tại các trạm trên tuyến Tỉnh lộ 14D qua địa bàn xã Hương Phú, Hương Hòa có nhiều dấu hiệu hoạt động không đúng quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục pháp lý về sử dụng đất, đấu nối giao thông và an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, các điểm thu mua này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do tình trạng nhiều phương tiện tải trọng lớn hoạt động lưu thông với tốc độ cao.
Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, tại điểm thu mua của hộ kinh doanh Trương Khàn nằm trên tuyến Tỉnh lộ 14D thuộc địa bàn xã Hương Hòa, có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cấp năm 2019. Vị trí được thực hiện trên lô đất số 139, tờ bản đồ số 15 với tổng diện tích gần 1.650m2 đất trồng cây lâu năm của ông Dương Đức Nhót, được Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ năm 2022.
Tuy nhiên, điểm thu mua này chỉ đăng ký ngành nghề kinh doanh là thu mua keo khai thác, nhưng vẫn đặt trạm cân. Việc không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm vào mục đích làm bãi tập kết gỗ rừng trồng là không đúng quy định pháp luật. Dù được Sở GTVT chấp thuận điểm đấu nối đường vào cơ sở thu mua chế biến gỗ rừng trồng với Tỉnh lộ 14D tại km5+400, nhưng trong quá trình hoạt động cũng gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông trên tuyến tỉnh lộ này.
Tương tự, tại điểm thu mua của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thành Chức ở xã Hương Xuân với tổng diện tích sử dụng đất hơn 415m2 (có hơn 315m2 đất trồng cây lâu năm) của ông Phạm Thanh Chức. Việc sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm vào mục đích làm bãi tập kết gỗ rừng trồng tại điểm thu mua này cũng không đúng quy định pháp luật.
Đối với trạm thu mua của HTX Hương Phú thuộc địa bàn xã Hương Phú với diện tích sử dụng đất gần 12 nghìn m2 (thuê lại của ông Nguyễn Văn Hòa) được cấp GCNQSĐĐ năm 2009, được UBND huyện Nam Đông bố trí để tạm thời sản xuất. Tuy vậy, hoạt động tại trạm này cho thấy, ngoài thu mua có thêm việc xay dăm gỗ như một nhà máy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ và không có đánh giá tác động môi trường khi thành lập cơ sở.
Hiện tại thửa đất này đã quy hoạch vào Cụm Công nghiệp Hương Phú với quy mô 20ha, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1227/QĐ-UBND ngày 22/5/2020. Theo UBND huyện Nam Đông, huyện đã trình UBND tỉnh thủ tục kêu gọi đầu tư dự án “Đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và UBND tỉnh đã chấp nhận cho Công ty cổ phần Hoa Gạo nghiên cứu lập dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Hương Phú. Khi xây dựng hoàn thành cụm công nghiệp, UBND huyện sẽ sắp xếp lại mặt bằng sản xuất, trong đó có HTX Hương Phú.
Trong khi đó, qua kiểm tra hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 14 điểm thu mua keo tràm, lắp trạm cân tải trọng, có đăng ký kinh doanh ngành nghề thu mua keo tràm nhưng lại bộc lộ nhiều bất cập. Đa số các trạm cân hoạt động trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền đất ở (đất vườn nhà) của người dân, các hộ kinh doanh cá thể để thu mua nguyên liệu là keo tràm trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra hoạt động của các trạm cân đảm bảo theo các quy định, đồng thời chỉ đạo Phòng TN&MT hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật. Thời gian tới, UBND huyện sẽ thành lập đoàn công tác, rà soát lại hoạt động thu mua nguyên liệu khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý những sai phạm trong hoạt động thu mua keo tràm tại địa phương.
Theo UBND huyện A Lưới, đa số các chủ thu mua là người địa phương và hoạt động của các trạm cân này cũng góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là nơi bao tiêu một phần đầu ra với giá cả hợp lý cho các hộ dân trồng keo tràm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, đó là việc hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông với các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49 thuộc thẩm quyền của Sở GTVT và Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT). Việc đấu nối với đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49, nhiều hộ dân không đảm bảo các quy định nên Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 đã lập biên bản vi phạm hành chính.
Hiện nay, một số hộ không đăng ký nhu cầu đấu nối. Do vậy, UBND huyện A Lưới cũng đã chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của các hộ kinh doanh để UBND huyện đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đấu nối giao thông.
Về vấn đề môi trường, Phòng TN&MT huyện đã hướng dẫn các chủ cơ sở bố trí người và máy xịt rửa xe ra vào để hạn chế bụi bẩn kéo theo xe ra lòng đường tại các cơ sở thu mua. Bố trí hợp lý phương tiện vào - ra, đồng thời trồng cây xanh quanh phạm vi hoạt động để hạn chế bụi khuyếch tán ra môi trường.
Thời gian tới, UBND huyện A Lưới sẽ thành lập đoàn công tác liên ngành, rà soát lại hoạt động các điểm thu mua keo tràm, xử lý những sai phạm (nếu có).