Từ bài học của đại dịch COVID-19, cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các đại dịch khác có thể xuất hiện trong tương lai. Ảnh minh hoạ: Báo Thanh Niên |
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng “chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước” khi nói đến việc chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các quốc gia. Cùng với đó, đại dịch nên là một bài học kinh nghiệm để các nước hợp tác và hành động tốt hơn.
Ba năm sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020, các quốc gia đã dần hạ cấp và chuyển sang giai đoạn dịch bệnh.
Tiến sĩ Amesh Adalja, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm cho biết: “Nhìn chung, chúng ta đang ở một vị trí rất tốt vì dân số thế giới tiếp cận tốt với vaccine và đã phát triển khả năng miễn dịch. Chúng ta nhìn chung đã có thể giảm bớt lo ngại về năng lực của bệnh viện nhờ sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ. Những ngày khi chúng ta không có công cụ và khả năng miễn dịch có thể đã là dĩ vãng”.
Cho đến nay, hơn 750 triệu người đã nhiễm COVID-19, gần 7 triệu người đã tử vong, theo dữ liệu thống kê của tổ chức WHO cho hay. Khoảng 72,4% dân số toàn cầu, tức hơn 5,5 tỷ người đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Chúng ta có thể làm gì tốt hơn?
Trong khi các chuyên gia ca ngợi những tiến bộ trong công nghệ và y tế, cho phép phát triển nhanh chóng vaccine, bộ dung cụ xét nghiệm và các nhu yếu phẩm khác, họ lại tỏ ra khá lo ngại về việc thiếu hợp tác và hỗ trợ ở cấp chính phủ giữa các quốc gia.
Nghiên cứu đã chỉ ra sự chênh lệch cao giữa các nước giàu và các nước đang phát triển về khả năng tiếp cận vaccine và các nguồn lực khác.
Theo nhà xuất bản Frontiers, các quốc gia có thu nhập cao có tỷ lệ tiêm chủng từ 75% đến 80% trong năm đầu tiên vaccine được cung cấp, trong khi các quốc gia có thu nhập thấp chỉ ghi nhận tỷ lệ trung bình dưới 10%.
Tiến sĩ Amesh Adalja thông tin, nếu các nhà chức trách chuẩn bị tốt hơn và triển khai các biện pháp hiệu quả hơn, số ca tử vong đã có thể hạn chế. Khi trường hợp khẩn cấp về bệnh truyền nhiễm tiếp theo xảy ra, điều quan trọng là phải có thông tin liên lạc tốt về sức khoẻ cộng đồng và phải chủ động để các nhà hoạch định chính sách không bị bỏ mặc với các công cụ không phù hợp, để có có thể thực hiện những việc có mục tiêu và có hiệu quả.
Hiện nay, thế giới đang chuyển sự chú ý sang tương lai chống đại dịch, ngay cả khi cuộc tranh luận về nguồn gốc của COVID-19 vẫn tiếp diễn.
“Bài học lớn nhất mà chúng ta cần rút ra từ đại dịch này là chỉ vì một đại dịch lớn, tức cúm Tây Ban Nha đã xảy ra cách đây 100 năm, không có nghĩa là đại dịch tiếp theo sẽ không cận kề”, tiến sĩ Amesh Adalja nhận xét.
Do đó, việc tìm nguồn gốc của COVID-19 là rất quan trọng để thế giới có sự chuẩn bị tốt. Nếu đây là bệnh lây lan từ động vật, chúng ta cần hiểu rõ đó là con vật gì và phải điều chỉnh hành vi của mình đối với loài động vật đó.
Các chuyên gia y tế cho rằng đại dịch COVID-19 có thể sẽ không bị tiêu diệt. Thay vào đó, các biến thể sẽ tiếp tục phát triển như các loại virus đường hô hấp khác, mặc dù với tốc độ thấp hơn và gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn. COVID-19 nhìn chung sẽ ngày càng dễ kiểm soát hơn khi khoa học và y học phát triển. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng những người có nguy cơ mặc bệnh cao hơn nên “tìm” khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng.
Chống lại đại dịch trong tương lai
Các chuyên gia nhận xét, vấn đề không phải là bằng cách nào, mà là khi nào, đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra và Tiến sĩ Amesh Adalja tin rằng đó có thể là một loại virus có nguồn gốc từ gia cầm. Vì vậy, chúng ta phải chủ động. Phải bắt đầu nghĩ về vaccine, thuốc kháng virus và xét nghiệm cúm bởi không còn gì đáng nghi ngờ, chúng ta sẽ chứng kiến một đợt đại dịch cúm khác.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã trích dẫn dân số toàn cầu ngày càng tăng và quá trình đô thị hoá lan rộng là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Cùng lúc đó, các nhà khoa học cảnh báo rằng các sông băng tan chảy do biến đổi khí hậu có thể giải phóng virus và vi khuẩn.
Trước tình hình này, điều cần thiết là thành lập một “quỹ bảo hiểm toàn cầu” để hỗ trợ các quốc gia chịu thiệt hại sau khi báo cáo về các đợt bùng phát dịch bệnh. Nếu các nước không chia sẻ thông tin và các đại dịch trong tương lai vượt xa khỏi tầm kiểm soát, cả thế giới sẽ phải trả giá đắt về cả thiệt hại về người và của.