leftcenterrightdel

Hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử

“Cánh tay phải” hỗ trợ đoàn viên, người dân

Từ ngày được đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong xã hướng dẫn sử dụng công nghệ trên điện thoại thông minh, bà Trần Thị Gái, tiểu thương tại chợ Sịa (huyện Quảng Điền) không còn phải mang nhiều sổ sách để ghi chép tiền hàng, tiền nợ. Sử dụng điện thoại, bà thao tác nhanh chóng việc chuyển, nhận tiền, kể cả khi khách hàng quên mang tiền thì vẫn có thể chuyển khoản để mua hàng. Bà Gái kể: “Có lần bất cẩn bị mất tiền khi đi lấy hàng, nên việc nhận tiền qua tài khoản giúp tôi tiết kiệm được thời gian, không lo rơi mất”.

Tại huyện Phong Điền, “tất cả các xã đoàn, thị đoàn trên địa bàn đã thành lập đội thanh niên xung kích tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) trên ứng dụng VNeID. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền CĐS nhằm hỗ trợ người dân thuận tiện trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch thương mại”, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền Hoàng Thị Lệ Hằng thông tin.

Nhận thấy tầm quan trọng của CĐS trong hoạt động đoàn, thời gian qua, Thị đoàn Hương Trà tích cực ứng dụng công nghệ số nhằm đổi mới phương thức và tăng hiệu quả hoạt động đoàn, nhất là việc kết nối ĐVTN xa quê.

Nhiều ĐVTN xa quê vẫn kết nối qua fanpage Đoàn thanh niên Hương Trà và tham gia gián tiếp các hoạt động đoàn tại địa phương, từ đó có những đóng góp thiết thực, như tham gia hỗ trợ quỹ cho chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Em nuôi của Đoàn”...

Theo Bí thư Thị đoàn Hương Trà Phạm Thị Ngọc Huế, lực lượng thanh niên có khả năng tiếp cận và thích nghi nhanh, từ đó, phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dân về CĐS.

Cuối tháng 2/2022, sau khi Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm Quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên (ĐV), Tỉnh đoàn Thừa thiên Huế đã triển khai tạo lập tổ chức, cấp tài khoản để truy cập và thực hiện các nghiệp vụ về công tác ĐV thuộc thẩm quyền xử lý. Theo đó, phần mềm số hóa 12 nghiệp vụ, như: Kết nạp ĐV mới; chuyển đi, chuyển đến; trưởng thành đoàn; chương trình rèn luyện, đánh giá, xếp loại ĐV…

Việc ứng dụng CNTT, CĐS của Đoàn Thanh niên còn thấy rõ trong thời điểm dịch COVID-19, lực lượng ĐVTN đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-COVID cũng như tạo mã QR để tiện lợi khi khai báo y tế. Phối hợp với ngành y tế trong việc nhập dữ liệu của người được lấy mẫu xét nghiệm, lưu vào hệ thống, hỗ trợ truy vết và xử lý các tình huống phát sinh. Đoàn TN cũng đã ứng dụng công nghệ số vào họp trực tuyến. Bằng hình thức này, Đoàn đã kịp thời chỉ đạo, quản lý các cơ sở đoàn và lực lượng tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ thuận lợi hơn.

leftcenterrightdel

Đoàn viên, thanh niên trải nghiệm “Không gian triển lãm số” thông qua kính thực tế ảo

Phát huy vai trò tuổi trẻ

Với lợi thế về sự nhanh nhạy với công nghệ, lực lượng ĐVTN Thừa Thiên Huế đang phát huy vai trò xung kích làm chủ công nghệ, kỹ thuật thông qua các hoạt động liên quan đến CĐS, ứng dụng CNTT vào công tác đoàn. Các hoạt động của đoàn đang từng bước được đổi mới về mặt nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp với thời đại công nghệ số.

Trong các hoạt động gần đây, Tỉnh đoàn đã ứng dụng công nghệ số gắn với công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của tỉnh. Tỉnh đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị cho ĐVTN về nâng cao nhận thức, kỹ năng của cán bộ, ĐVTN và Nhân dân về CĐS; phối hợp, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP của thanh niên tại địa phương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài: Nhiệm kỳ 2022 - 2027, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề ra mục tiêu với 100% Đoàn xã, phường, thị trấn có các hoạt động CĐS, xây dựng xã hội số và có ít nhất 50% TN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 70% TN sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.

“Với chủ đề “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế tiên phong chuyển đổi số”, Tháng Thanh niên năm nay là cơ hội để tuổi trẻ tỉnh nhà phát huy vai trò xung kích, tiên phong trong những vấn đề “mới” và “khó” của đời sống kinh tế - xã hội; góp phần mở ra cơ hội giúp các bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành và thực hiện tốt phương châm “Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng”, anh Hoài nói.

 Nhiều chương trình hưởng ứng CĐS được triển khai trong Tháng Thanh niên, như: Thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán hóa đơn tiền nước và dịch vụ vệ sinh môi trường qua Hue-S; triển khai các điểm tư vấn, hướng dẫn người dân, thanh, thiếu nhi cùng cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID; phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn trên Ứng dụng Thanh niên Việt Nam… Trong đó, nổi bật phải kể đến việc “số hóa địa chỉ đỏ” là các địa danh lịch sử, di tích. Đây là một trong các hoạt động hướng đến đẩy mạnh CĐS trong Đoàn thanh niên gắn liền với việc tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng, truyền thống văn hóa của của dân tộc và giáo dục tinh thần yêu nước đối với ĐVTN trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: LIÊN MINH