Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng mưu sinh với nghề bán vé số |
Ngang qua đường Trần Hưng Đạo, nắng cũng như mưa, người đi đường dễ dàng bắt gặp chị Nguyễn Thị Thúy Hồng ngồi ở dưới tán cây trên chiếc xe lăn để bán vé số. Xấp vé số trên tay, chị đưa chậm rãi mời khách qua đường. Dừng mua vài tấm vé, tôi nán lại trò chuyện, chị vui vẻ như không hề xa lạ.
Ngay khi được sinh ra, chị đã không được mạnh khỏe như những đứa trẻ bình thường. Càng lớn, đôi chân càng yếu nên di chuyển rất khó khăn. Được dự án thiện nguyện tặng chiếc xe lăn, hằng ngày chị đi lại và mưu sinh trên chiếc xe đó. 45 tuổi, chị Hồng có hơn 15 năm làm nghề bán vé số.
Chị kể: “Anh chị em mỗi người đều có gia đình riêng với bao thứ phải lo lắng. Vì thế, chị phải tự chủ động lo cho bản thân mình. Ngày nào trời nắng, khách mua nhiều thì kiếm được khoảng 50 ngàn đồng, có ngày mưa gió ế ẩm được 20 ngàn đồng”. Buổi sáng, chị xuất phát từ nhà ở cuối đường Lê Duẩn (phường Tây Lộc) khoảng 6 giờ sáng, bán đến khoảng 2 giờ chiều, chị lại trở về dừng chân ở gần cầu An Hòa để bán tiếp. Có những lúc trái gió trở trời, đôi chân tê nhức, chị phải cố gắng.
“Tiền lãi từ công việc bán vé số hằng ngày cộng với tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật mỗi tháng được 700 ngàn đồng, cũng tạm trang trải qua ngày. Những ngày mưa to, gió lớn, rồi những ngày đau ốm không đi bán được cảm thấy lo lắng và buồn lắm. Nhớ phố xá, nhớ người qua lại; mong có sức khỏe để duy trì công việc của mình, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình”, chị Hồng tâm sự.
Khác với chị Thúy Hồng, dù có thể ở nhà để nghỉ ngơi tuổi già, song ông Đoàn Cầu ở Phú Thượng, năm nay bước qua tuổi 80 vẫn đều đặn theo đuổi cái nghề bán bánh bao đã đồng hành cùng ông suốt mấy chục năm trời.
Mấy mươi năm qua, ông cùng vợ sống bằng nghề làm và bán bánh bao. Cả ngày ông bắt tay vào các giai đoạn làm bánh. Bắt đầu từ 5 giờ chiều ông lại chở nồi bánh bao trên chiếc xe đạp dạo bán; điểm dừng chân đầu tiên của ông là cầu Ga Huế.
Là khách quen, mỗi lần ngang qua đây, tôi đều dừng chân mua bánh bao của ông. Người rắn chắc, ông vừa bán vừa nói chuyện vui vẻ với ánh mắt, nụ cười điềm đạm. Nhiều lần hỏi chuyện, tôi được biết quê gốc của ông là làng An Truyền, ông cùng gia đình chuyển lên sinh sống ở thôn La Ỷ (Phú Thượng) khá lâu rồi. Dù các con đã trưởng thành, nuôi dưỡng bố mẹ tuổi già nhưng ông vẫn không bỏ nghề truyền thống này.
Ông nói: “Cái nghề đã theo ông trên 50 năm rồi, sao bỏ được. Các con sợ ba mệt, không cho đi bán nữa. Quen công việc rồi, ở nhà buồn lắm. Hơn nữa, mình còn sức, còn làm được thì phải làm để vừa giữ cái nghề truyền thống ni, vừa có thêm đồng ra đồng vào giúp đỡ các con”.
Từ Phú Thượng đến cầu Ga Huế cũng tầm 7 cây số, ông Cầu lặng lẽ những vòng xe đạp đều đặn mỗi ngày. Chỉ những lúc mưa to, gió lớn, không đi được, ông mới chịu ở nhà. Trung bình mỗi ngày ông bán được khoảng 50 đến 60 cái bánh bao, trừ vốn liếng, có được 150 ngàn đồng tiền lãi. Những đêm không bán hết ở cầu Ga, ông Cầu lại đạp xe đi bán quanh… và có khi về đến nhà đã hơn 9 giờ đêm.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi vì sao con cái lớn rồi, ông không nghỉ bán cho khỏe, ông cười hiền từ: “Cháu thấy ông khỏe không; nhờ làm việc, nhờ vận động thế này mà ông khỏe ra đấy”...
Gặp và nói chuyện, nhìn thấy và thấu hiểu những mong muốn, khát vọng cùng niềm vui được làm việc, được lao động của chị Hồng, ông Cầu tôi lại càng yêu quý, trân trọng hơn những con người luôn biết vượt qua hoàn cảnh bệnh tật và tuổi tác.