Ngành du lịch Campuchia tự tin sẽ phục hồi và phát triển mạnh trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: Vntrip/Báo Lao động |
Trong khoảng thời gian 2 tháng, Campuchia đã chào đón một loạt các chuyến bay quốc tế mới, báo hiệu rằng những tháng sắp tới sẽ đầy ắp các hoạt động. Cùng với việc Vương quốc này đăng cai tổ chức cả Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) và ASEAN Para Games, không có lý do gì Campuchia không thể mở rộng quy mô du lịch về mức kỷ lục của năm 2019.
Cụ thể, Campuchia coi năm 2023 là một năm quan trọng, có thể giúp nước này thu hút nhiều hơn dòng khách quốc tế. Năm nay sẽ giúp đất nước vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, vốn đã nhấn chìm ngành du lịch, lĩnh vực được coi là một trong bốn trụ cột mà nền kinh tế Campuchia dựa vào.
Đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho lĩnh vực này vào năm 2022, khi ngành du lịch của đất nước kiếm khoảng 1,41 tỷ USD tổng doanh thu trong năm này. Đó là con số khổng lồ, cao hơn 669% so với mức ghi nhận vào một năm trước đó, 2021, theo báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia.
Tình hình dự kiến sẽ tốt hơn nhiều trong năm nay, khi số lượng các chuyến bay quốc tế, bao gồm cả các chuyến bay từ Trung Quốc, một thị trường quan trọng với ngành du lịch Campuchia đã bắt đầu tăng lên khi nước này dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19.
Triển vọng đầy hứa hẹn
Campuchia đã thu hút 2,28 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2022, tăng 1.058% so với năm 2021. Ngành du lịch cũng đóng góp 3,6% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia vào năm 2022.
Với triển vọng đầy hứa hẹn của ngành du lịch, đất nước này dự kiến sẽ thu hút 4 triệu du khách quốc tế vào năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết: “Năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút từ 800.000 đến 1 triệu du khách Trung Quốc”.
Được biết vào năm 2019, Campuchia đã đón tổng cộng 6,61 triệu du khách quốc tế, tạo ra tổng doanh thu 4,92 tỷ USD. Với những sáng kiến tự tin, nước này tự tin sẽ đạt được mức của năm 2019 về du lịch trong vòng một vài năm tới.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Du lịch, trong giai đoạn từ ngày 27/2 - 5/3, Vương quốc này đã đón 289.208 khách du lịch, bao gồm 23.811 khách nội địa và 51.017 khách nước ngoài.
Một số điểm du lịch chính trong giai đoạn này là Preah Sihanouk (ghi nhận đón tiếp 69.949 du khách), Siem Reap (40.120 du khách), Phnom Penh (39.143 du khách), Kampot (26.262 du khách)…
Theo đó, Bộ Du lịch nước này mong muốn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến các di sản thế giới, bao gồm Công viên khảo cổ Angkor, Đền Preah Vihear…
Đăng cai SEA Games
Bên cạnh đó, với việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) và ASEAN Para Games vào mùa hè này, Campuchia được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách đến từ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo Bộ Du lịch, dự kiến sẽ có từ 250.000 - 500.000 khách quốc tế đến nước này du lịch.
Lễ hội Sông nước
Trong khi đó, Campuchia cũng tổ chức Lễ hội Sông nước lần thứ 7 tại Kampong Thom, với lễ khai mạc tổ chức ngày 9/3 để quảng bá tiềm năng du lịch dọc theo sông Mekong và các con sông khác.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, sự kiện này đã được nối lại sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Nhắc lại ý nghĩa của lễ hội trong việc quảng bá du lịch, Thủ tướng Hun Sen cho rằng: “Hoà bình là yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững du lịch bao gồm du lịch văn hoá, sinh thái, vốn được ví như “vàng xanh”. Lễ hội này không chỉ thúc đẩy tiềm năng du lịch của các tỉnh ven sông mà còn hỗ trợ chính sách của chính phủ trong việc phát triển các khu vực ven sông một cách bền vững và có trách nhiệm.
Theo Thủ tướng Hun Sen, sông Mekong đã và đang thúc đẩy kết nối, tình hữu nghị và đoàn kết giữa các nước ASEAN và các nước trong Hợp tác Lan Thương - Mekong (nền tảng hợp tác tiểu vùng mô thức mới, do Trung Quốc và 5 nước sông Mekong cùng khởi xướng và xây dựng, nhằm làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia) cùng với các nước khác.
Vị thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng Lễ hội Sông nước lần này sẽ tạo ra cơ hội mới để Campuchia trở thành điểm đến du lịch chất lượng, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo cho người dân ven sông.
Quảng bá du lịch
Phát biểu tại lễ bế mạc Lễ hội Sông nước lần thứ bảy vào ngày 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, du lịch là người bán, nông nghiệp là người sản xuất, môi trường vừa là nơi sản xuất, vừa là bảo vệ, văn hoá vừa là bảo vệ vừa là quảng bá. Vì vậy, việc quảng bá những sản phẩm đó tốt nhất là thông qua các sự kiện du lịch.
Ông chỉ ra rằng, Campuchia có rất nhiều tiềm năng văn hoá, cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Đồng thời cũng phải nhắc đến bề dày lịch sử, di sản và sự đa dạng. Campuchia có một mạng lưới du lịch Di sản Thế giới độc đáo.
Do đó, các sự kiện du lịch là cơ hội để nước này quảng bá các sản phẩm của cộng đồng, rừng, cộng đồng du lịch sinh thái và các cộng đồng khác dưới sự kiểm soát của Bộ Môi trường và các tổ chức khác. Ngoài ra, các sự kiện du lịch còn là cơ hội để giáo dục, hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên cùng tham gia bảo vệ rừng, môi trường, giữ gìn vệ sinh cây xanh, rác thải, chất thải vì sạch sẽ là điểm thu hút.
Xúc tiến quốc tế và tinh thần lạc quan
Trong nỗ lực quảng bá tiềm năng du lịch của đất nước ra quốc tế, Bộ Du lịch đã tham dự sự kiện Internationale Tourismus-Borse Berlin (ITB Berlin) danh giá. Một chiến dịch du lịch quốc tế của Vương quốc bao gồm “Visit Campuchia 2023” và du lịch thể thao bao gồm SEA Games và ASEAN Para Games đã được công bố.
Với nhiều yếu tố thúc đẩy khác, những người phụ thuộc vào triển vọng của ngành du lịch Campuchia để kiếm sống rất lạc quan về sự hồi sinh của ngành. Ngành du lịch Campuchia vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nay tự tin sẽ chứng kiến sự trở lại trong bối cảnh người dân quan tâm nhiều hơn đến việc đi du lịch. Sự lạc quan này cũng là tín hiệu tốt cho niềm vui mới trong ngành du lịch Campuchia.